Kim ngân lượng là cây cảnh rất được ưa chuộng bởi cái tên như "kho vàng" và hàng trăm quả đỏ lúc lỉu gợi tài lộc và may mắn.
Ý nghĩa phong thủy của cây cảnh kim ngân lượng
Theo quan niệm phong thủy, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn. Cây trái sai quả trĩu cành là biểu hiện của ấm no, sung túc.
Những chùm quả kim ngân lượng màu đỏ mang đến cho người ta cảm giác ấm áp, nồng nhiệt, vẻ đẹp của tình yêu, thêm cảm giác thành công, vui vẻ, giàu có và cát tường, tràn đầy hạnh phúc và cao quý, có tính trang trí cao.
Cây cảnh kim ngân lượng lúc quả chín có sự pha trộn màu sắc giữa tán cây xanh và quả đỏ mọng vô cùng bắt mắt. Màu sắc đặc trưng này còn có ý nghĩa lớn đối với phong thủy.
Trong phong thủy, màu xanh lá cây kết hợp màu đỏ quả xum xuê đại diện cho sự sung túc, ấm no, an khang thịnh vượng, sức khỏe trường thọ, gia đình hạnh phúc viên mãn.
Cây cảnh được gửi gắm ý nghĩa mang lại cho gia chủ thành công, tài lộc và nguồn sinh khí để thêm động lực và ý chí phấn đấu không ngừng.
Vì vậy, người ta đã đặt cho cây cảnh này rất nhiều cái tên ngụ ý tiền tài, may mắn, lộc lá như hạt tài lộc, hạt giàu có, kim ngân lượng, trăm lượng vang, vạn lượng vàng...
Với nhiều yếu tố như vậy, cây cảnh kim ngân lượng được xem là cây cảnh phong thủy mang lại nhiều năng lượng tích cực cho gia chủ. Trồng một chậu trong nhà với ngụ ý tốt lành, mong muốn rước vàng chiêu bạc vào nhà, giúp gia chủ quanh năm phát tài.
Ngoài ra, kim ngân lượng còn có ý nghĩa xua đuổi xuôi xẻo, u ám mang đến điềm lành, thăng quan tiến chức, công việc phát đạt.
Đặc biệt trong những ngày lễ Tết, việc bày một chậu kim ngân lượng trong nhà khiến gia đình tràn đầy không khí lễ hội và chúc phúc cho năm mới cát tường, sung túc, ăn nên làm ra.
Cách trồng cây cảnh kim ngân lượng
Để trồng cây cảnh kim ngân lượng, bạn cần có 3 thủ thuật nhỏ, giúp cây cảnh giữ được lá xanh tươi và ra nhiều quả, mang lại nhiều tài lộc, cát tường cho gia đình.
Cây cảnh này thực ra không khó nuôi. Nó là loại cây xanh trong chậu tương đối chắc chắn và ít cần chăm sóc.
Yêu cầu về đất của cây cảnh này không cao, chỉ cần đất thông thường, hoặc đất mùn và một ít phân hữu cơ làm nền là đủ. Miễn là đất không quá cứng.
Sau khi trồng không nên xới đất thường xuyên, tránh làm tổn thương bộ rễ, khiến cây chậm phát triển.
Khi tưới nước, bạn có thể kiểm tra đất hoặc lá trong chậu, nhiệt độ cao và thông gió tốt, nếu đất trong chậu hơi khô thì tưới nước kịp thời, nếu nhiệt độ thấp thì ngừng tưới nước nếu đặt trong nhà.
Hoặc nếu bạn thấy lá khô và hơi mềm thì hãy tưới nước từ từ cho cây. Đất bầu không thể tích nước lâu ngày.
Về ánh sáng, bạn đảm bảo cho cây cảnh có đủ ánh nắng, vào mùa đông hoặc nhiệt độ thấp nên đặt trong nhà, nơi có nắng ấm, không thể thiếu ánh nắng lâu ngày.
Nếu bạn để cây cảnh thiếu nắng lâu ngày thì cây sẽ dễ rụng lá và quả. Vì vậy, vào mùa xuân và mùa thu, bạn phải di chuyển nó ra ngoài trời. Điều này giúp cây cảnh phát triển tươi tốt hơn, lớn nhanh hơn, cành khỏe hơn, ra hoa, đậu quả tốt hơn.
Cây cảnh này cũng không chịu được lạnh nên nếu nhiệt độ dưới 0 độ C cần bê cây cảnh vào nhà hoặc tìm cách giữ ấm cho cây.
Vào mùa hè có thể đặt cây cảnh ở nơi râm mát, không bị nắng gắt. Làm như vậy lá của nó sẽ tươi tốt, xanh và dày hơn. Cây cảnh có nhiều lá đẹp và hàng năm ra nhiều trái.
Như vậy, nếu bạn nuôi một chậu kim ngân lượng trong nhà, chỉ cần chú ý đến những chi tiết này thì cây cảnh của bạn sẽ ngày càng phát triển tốt hơn, không chỉ dùng một mùa rồi bỏ mà có thể ngắm trái năm này qua năm khác.
Theo Minh Thành/Thương Hiệu và Pháp Luật