Trái đất nóng dần, nhiệt độ năm 2020 cao nhất lịch sử

Google News

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố nhiệt độ trung bình trên đất liền và đại dương trên toàn cầu trong năm 2020 là mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận, vượt mức kỷ lục năm 2016 0,1 độ C.

Ngày 14/1, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố nhiệt độ trung bình trên đất liền và đại dương trên toàn cầu trong năm 2020 là mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận, vượt mức kỷ lục năm 2016 0,1 độ C, theo Guardian.

Tuy nhiên, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) lại đánh giá năm 2020 có nhiệt độ thấp hơn một chút so với năm 2016. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (UK Met Office) cũng xếp 2020 sau 2016 về nhiệt độ trung bình năm. Sự khác biệt trong việc đánh giá khí hậu các năm của từng cơ quan là do họ sử dụng các phương pháp khác nhau.

Trai dat nong dan, nhiet do nam 2020 cao nhat lich su

NASA đánh giá năm 2020 là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Ảnh: NASA.

Nhiệt độ cao bất thường nhiều năm liên tục

Bất kể chênh lệch nhỏ giữa đánh giá của các cơ quan, số liệu khí hậu năm 2020 vẫn nhấn mạnh sự gia tăng nhiệt độ đáng lo ngại của hành tinh. Nguyên nhân chính của vấn đề này việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các hoạt động khác của con người.

Bảy năm nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới đều là các năm từ 2014 đến nay. 10 năm có nhiệt độ cao nhất cũng nằm trong khoảng thời gian 15 năm nay. Liên tục 44 năm, nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt ngưỡng trung bình của thế kỷ 20.

Các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ trung bình sẽ tiếp tục tăng lên do lượng khí nhà kính khổng lồ mà con người thải ra khí quyển. Gavin Schmidt, Giám đốc viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA, cho biết: “Nhiệt độ cao này sẽ không trở thành trạng thái bình thường mới. Nó là tiền đề cho nhiều bất ổn hơn trong tương lai”.

Năm 2020, Trái Đất đón hiện tượng La Niña, bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 và kéo dài qua năm 2021. Đây là hiện tượng khí hậu khiến nước biển lạnh hơn bình thường. Nó thường bắt đầu hình thành từ tháng ba đến tháng sáu hàng năm, và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng hai năm sau. Bất chấp ảnh hưởng làm dịu của của La Niña, nhiệt độ Trái Đất vẫn chạm mức kỷ lục trong năm 2020.

Zeke Hausfather, nhà khí hậu học tại Berkeley Earth, cho biết: “Dù hiện tượng La Niña lần này có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ năm 2021 nhiều hơn năm 2020, nhưng chắc chắn nó đã làm dịu đi phần nào nhiệt độ của quý cuối năm 2020”.

"Sự nóng lên toàn cầu trong vòng 5 năm qua tương đương việc Trái Đất phải chịu thêm một hiện tượng El Niño nữa”, ông Hausfather nói thêm. “Những mức kỷ lục liên tục được ghi nhận này nhấn mạnh yêu cầu giảm lượng khí thải của chúng ta càng sớm càng tốt”.

Tác động đáng quan ngại

Các phân tích khoa học năm 2020 cũng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm thay đổi các quá trình môi trường trên toàn cầu.

Trai dat nong dan, nhiet do nam 2020 cao nhat lich su-Hinh-2

Nhiệt độ cao kỷ lục trong năm 2020 đã gây nên nhiều vụ cháy rừng diện rộng ở Mỹ và Australia. Ảnh: AFP.

Quy mô băng biển hàng năm ở Bắc Cực giảm xuống mức nhỏ nhất vào năm 2016, với chỉ chưa đầy 10,18 triệu km2, NOAA cho biết. Lượng tuyết phủ trung bình hàng năm ở bắc bán cầu trong năm 2016 thấp ở mức thứ tư.

Nhiệt độ của khí quyển và nước liên tục gia tăng đang khiến các sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao, và gây ra các cơn bão lớn hơn và có sức tàn phá mạnh hơn.

Trong năm ngoái, Mỹ đã phải trải qua mùa bão Đại Tây Dương lịch sử với số lượng bão lớn nhiều bình thường, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD và dẫn đến cái chết của hàng trăm người.

Jim Kossin, một nhà khí quyển học tại NOAA, cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu không hẳn sẽ làm tăng khả năng hình thành bão, nhưng nó rất có thể sẽ làm các cơn bão trở nên mạnh hơn. Chính những cơn bão mạnh đó là điều đáng lo ngại”.

Cũng trong năm 2020, nắng nóng kéo dài khiến cho thảm thực vật khô cằn và gây nên cháy rừng diện rộng ở nhiều khu vực ở Mỹ và Australia. Trong khi đó, Bắc Cực cũng ghi nhận nhiệt độ cao đáng kinh ngạc so với mức trung bình.

Lesley Ott, nhà khí tượng tại NASA, cho biết: “Năm 2020 là một ví dụ đáng chú ý về về một số tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu mà chúng ta đã dự đoán”.

Colin Morice, nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, cho rằng năm 2021 cũng sẽ là một trong số những năm nóng kỷ lục. Ông cũng cảnh báo rằng hiện tại thế giới đang ngày càng tiến gần hơn với các hạn định về khí hậu trong thỏa thuận Paris.

Cuối năm nay, Liên Hợp Quốc sẽ mở các họp tại Scotland để đàm phán dựa theo thỏa thuận Paris, yêu cầu các nước cam kết thực hiện các biện pháp để Trái Đất nóng lên không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

António Guterres, tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cảnh báo: “Chúng ta đang đứng trước mức tăng nhiệt độ thảm khốc lên tới 3-5 độ C trong thế kỷ này. Hòa bình với thiên nhiên là nhiệm vụ quyết định của thế kỷ 21. Nó phải là ưu tiên hàng đầu của mọi người, ở mọi nơi”.

Theo Hồng Ngọc/Zing