Công trình từ Đại học Southampton và Đại học Queen - Anh cho thấy trạng thái "hành tinh xanh" của Trái Đất bị ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc bởi thực vật, không chỉ hình dạng chi tiết của các lớp vỏ mà còn ảnh hưởng tới lớp phủ.
Theo Sci-News, các nhà khoa học đã đánh giá các dấu hiệu đồng vị của các hạt zircon được hình thành từ các vùng hút chìm, nơi trầm tích biển được vận chuyển vào lớp phủ, từ đó tìm ra cách thức mà cảnh quan ngày nay được tạo thành.
|
Trái Đất ngày nay đã được nhào nặn, định hình bởi "năng lượng xanh" từ 430 triệu năm trước? - Ảnh: SPACE
|
Tất cả liên quan đến sự bùng nổ của thực vật trên cạn cách đây khoảng 430 triệu năm, tức thuộc kỷ Silur.
"Thực vật gây nên những thay đổi cơ bản đối với hệ thống sống, mang lại nhiều dòng sông uốn khúc và ngập bùn lầy, cũng như làm đất dày hơn" - tiến sĩ Christophe Spencer từ Đại học Queen giải thích.
Sự thay đổi này gắn liền với sự phát triển của hệ thống rễ cây, giúp tạo ra một lượng bùn khổng lồ bằng cách phá vỡ các tảng đá, ổn định các kênh sông vốn đã giữ bùn này trong thời gian dài.
Điều này ảnh hưởng đến cả quá trình kiến tạo mảng: Các dòng sông đổ bùn vào đại dương, bùn này sau đó bị kéo vào lớp bên trong nóng chảy của Trái Đất tại các vùng hút chìm, nơi vỏ lục địa bị tan chảy để hình thành đá mới.
Loại đá liên quan mật thiết đến sự bùng nổ thực vật này khi kết tinh sẽ giữ lại cả những dấu tích lịch sử trong các hạt zircon, từ đó hé lộ quá khứ. Nhờ đó, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục về sự thay đổi mạnh mẽ trong thành phần các lục địa trùng với khoảng thời gian thực vật ra đời và bùng nổ.
"Thật đáng kinh ngạc rằng sự xanh hóa của các lục địa được cảm nhận trong cả lòng đất sâu thẳm" - tiến sĩ Spencer kết luận.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.
Theo Thu Anh/Người Lao Động