Top hiện tượng thiên văn "dự" ấn tượng nhất 2019, quan sát ở VN

Google News

(Kiến Thức) - Việt Nam sắp đón trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2019, cùng với đó là những hiện tượng thiên văn rất đáng trông đợi có thể quan sát ở Việt Nam, thu hút những người đam mê khám phá bí ẩn vũ trụ.

Năm 2019 hứa hẹn là một năm hấp dẫn với người yêu thích các hiện tượng thiên văn độc đáo. Mới đây, chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam đã điểm ra thời gian cụ thể các hiện tượng thiên văn đáng chú ý có thế theo dõi khi quan sát tại Việt Nam:
Ngày 3,4/1: Mưa sao băng Quadrantids. Rạng sáng 4/1, người yêu thiên văn tại Việt Nam có cơ hội ngắm hiện tượng thiên văn kỳ thú đầu tiên của năm - trận mưa sao băng Quadrantids. Lần này, ở bất cứ nơi nào có điều kiện thời tiết thuận lợi, người quan sát sẽ nhìn thấy hiện tượng này. Đây là trận mưa sao băng trung bình.
Ngày 22/1: Giao hội của sao Kim và sao Mộc. Với hiện tượng này, Sao Kim và Sao Mộc đã tiến sát nhau và xuất hiện gần như thẳng hàng vào rạng sáng ngày 22/1. Nếu trời ít mây, chỉ bằng mắt thường người xem cũng có thể nhận ra sự nổi bật của chúng trên bầu trời trước lúc mặt trời mọc.
Ngày 22, 23/4: Mưa sao băng Lyrids được dự đoán sẽ xuất hiện rực rỡ nhất vào rạng sáng 23/4. Đây là một trận mưa sao băng kéo dài từ 16 tháng tư đến 26 tháng tư mỗi năm. Sự rạng rỡ của mưa sao băng nằm trong chòm sao Lyra, gần ngôi sao sáng nhất của chòm sao này
Tuy nhiên, mặt trăng sẽ là một cản trở lớn cho việc quan sát do sự kiện xảy ra chỉ vài ngày sau ngày trăng tròn.
Top hien tuong thien van
 Mưa sao băng Eta Aquarids
Ngày 6, 7/5: Mưa sao băng Eta Aquarids. Đây là một trận mưa sao băng kết hợp với sao chổi Halley, với cực điểm có thể đạt từ 30 - 60 sao băng mỗi giờ. Eta Aquarids sẽ là hiện tượng rất dễ quan sát nếu thời tiết ủng hộ.
Ngày 10/6: Sao Mộc tới vị trí trực đối. Hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời này sẽ nằm ở vị trí trực đối so với Mặt Trời (Trái Đất nằm giữa), do đó nó sẽ đạt độ sáng cao nhất và là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát từ Trái Đất.
Ngày 27/6, Sao Thổ tới vị trí trực đối. Sao Thổ vào thời điêm này sẽ ở vị trí lý tướng nhất để được quan sát bằng mắt thường cũng như bằng kính thiên văn.
Ngày 17/7: Nguyệt thực một phần. Chúng ta sẽ quan sát được một pha ngắn của hiện tượng này vào rạng sáng ngày 17/7. Dù pha quan sát được không nhiều, chỉ ngay trước khi Mặt Trăng lặn xuống chân trời nhưng chắc chắn đó vẫn sẽ là hiện tượng đáng chú ý đối với người yêu thiên văn.
Ngày 28, 29/7: Mưa sao băng Delta Aquarids. Đây là một trận mưa sao băng loại trung bình. Năm nay, với việc cực điểm rơi vào gần thời điểm Trăng tròn, người quan sát sẽ không có nhiều cơ hội theo dõi được hiện tượng này.
Ngày 12, 13/8: Mưa sao băng Perseids. Một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với mật độ cực điểm có thể lên tới trên 60 hoặc đạt tới 100 sao băng mỗi giờ. Thời điểm tốt nhất đế quan sát hiện tượng này là tối 12, rạng sáng 13 tháng 8. Xảy ra vào gần ngày Trăng tròn, Perseids lần này sẽ kém hấp dẫn đi nhiều, dù vậy nếu thời tiết đủ lý tưởng, người yêu thiên văn vẫn có cơ hội nhìn thấy không ít sao băng của nó ở những vùng trời không quá gần vị trí của Mặt Trăng.
Ngày 9/9: Sao Hải Vương tới vị trí trực đối. Hành tinh xa nhất được biết tới trong Hệ Mặt Trời sẽ tới vị trí thuận lợi nhất để quan sát từ Trái Đất. Tuy nhiên, nó chỉ có thế được quan sát qua các kính thiên văn.
Ngày 21, 22/10: Mưa sao băng Orionids có trung tâm là chòm sao Orion. Nếu có điều kiện quan sát tốt bạn vẫn có thể thấy được không ít vệt sáng của hiện tượng này ví nó sẽ có nhiều sao băng rất sáng.
Ngày 27/10: Sao Thiên Vương tới vị trí trực đối.
Ngày 13, 14/12: Mưa sao băng Geminids là mưa sao băng lớn nhất của năm. Ở những nơi có điều kiện thời tiết tốt, Germinids sẽ là một hiện tượng đáng chú ý vào cuối năm.
Ngày 26/12: Nhật thực một phần. Trưa 26/12 theo giờ Việt Nam, nhật thực hình khuyên sẽ diễn ra. Tuy nhiên do góc nhìn từ Việt Nam, chúng ta sẽ chỉ thấy nhật thực một phần.
Lưu Thoa (TH)