Top 5 Giải thưởng AI: “Nếu khó không làm thì mãi gia công cho quốc tế"

Google News

Ông Trịnh Đình Huynh, Giám đốc sản phẩm của OLLI MAIKA chia sẻ, lĩnh vực trợ lý ảo rất khó, trên thế giới cũng chỉ công ty lớn mới dám làm. Khi thực hiện dự án, ông và cộng sự từng bị coi là “hơi điên”.

Từ “niềm đau” tới chọn mảng “hơi điên”
Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2022, dự án Trợ lý ảo tiếng Việt - Maika của OLLI Technology được vinh danh trong top 5 của cuộc thi AI Awards 2022.
Top 5 Giai thuong AI: “Neu kho khong lam thi mai gia cong cho quoc te
Ông Trịnh Đình Huynh, Giám đốc sản phẩm OLLI Technology (trái) cùng ông Nguyễn Phú Tài, Giám đốc Marketing của  OLLI Technology đại diện công ty lên nhận giải thưởng top 5 AI Awards 2022.
Trao đổi với PV KH&ĐS, ông Trịnh Đình Huynh, Giám đốc sản phẩm OLLI Technology chia sẻ, Loa thông minh và Trợ lý ảo Maika là một sản phẩm được tạo nên từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp con người có thể giao tiếp bằng giọng nói với công nghệ một cách tiện lợi, đơn giản và nhanh chóng bằng tiếng Việt.
Hiện nay, trên thế giới đã có một số sản phẩm về loa thông minh có tích hợp trợ lý ảo, tuy nhiên, khi người Việt sử dụng lại có những hạn chế bởi rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa, phong tục.
Trợ lý ảo Maika đã khắc phục được điều này. Maika là trợ lý ảo đầu tiên được phát triển chỉ dùng duy nhất ngôn ngữ tiếng Việt để tiếp nhận lệnh từ người dùng. Đây là sản phẩm được nghiên cứu và xây dựng dành riêng cho người Việt, sử dụng hoàn toàn tiếng Việt, cung cấp các nội dung phù hợp với văn hóa, lối sống, phong tục và thói quen của người Việt Nam.
Sản phẩm có rất nhiều chức năng hỗ trợ người dùng, như nghe nhạc, điều khiển nhà thông minh, gọi điện liên lạc với người thân, giúp các giáo viên mầm non trông trẻ…
“Ví dụ, ở trường mầm non, các bé rất hiếu động, sĩ số đông trong khi giáo viên lại ít, chỉ 1 – 2 cô giáo. Với loa thông minh Maika, các cháu có thể tự chơi đố vui với loa, nghe các bài hát thiếu nhi và nghe những câu chuyện cổ tích”, ông Huynh cho biết.
Tháng 5/2021, trợ lý ảo Maika ra đời, và sau đó, được người dùng đón nhận, tin dùng. Tuy nhiên, để đạt được thành quả như hôm nay, là cả một chặng đường gian nan, nhiều nỗ lực của những người thực hiện dự án này.
Ông Huynh cho biết, những người thực hiện dự án này từng bị coi là “hơi điên”, bởi lĩnh vực trợ lý ảo rất khó. Hiện trên thế giới, cũng chỉ có các công ty lớn mới dám làm.
Và khi bắt tay vào thực hiện thì đúng là khó thật, khó hơn cả những tưởng tượng ban đầu. Trong quá trình 5 năm nghiên cứu, phát triển trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, đã có nhiều lúc phải đập đi làm lại. Tuy nhiên, nhất định không nản chí.
“Bởi chúng tôi tin vào trí tuệ của người Việt rất giỏi. Ngay từ bậc phổ thông, đã có rất nhiều học sinh đoạt các giải quốc tế. Sau khi ra trường, đi làm, cũng đã có mặt ở nhiều công ty lớn trên thế giới. Vậy, tại sao có nhiều sản phẩm do chính người Việt mình làm ra nhưng người Việt mình lại không biết? Bởi những sản phẩm đó mang thương hiệu quốc tế, ngay cả những người Việt trong ngành cũng không biết. Đó là niềm đau.
Khi thực hiện dự án này, chúng tôi đã nung nấu suy nghĩ, chúng ta là người Việt Nam, có trí tuệ của người Việt Nam, phải làm ra được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam và phục vụ cho người Việt Nam. Mảng sản phẩm này rất khó, nhưng nếu không ai dám làm thì thị trường AI của Việt Nam vẫn chỉ mãi là gia công cho quốc tế. Như vậy sẽ không phát triển được”, ông Huynh chia sẻ về lý do vì sao lại dám “dấn” vào một lĩnh vực khó đến như vậy.
Đừng coi AI chỉ là con đường trải hoa hồng
Ông Trịnh Đình Huynh chia sẻ, khi làm dự án, OLLI MAIKA mong muốn làm chủ cả phần cứng và phần mềm, đây cũng là lý do khiến việc thực hiện trở nên quá khó, và phải đập đi làm lại vì không đạt được như mong muốn. Bởi một sản phẩm mà ngay cả chính người sản xuất, nhân viên của công ty sử dụng không cảm thấy thỏa mãn, hài lòng thì không thể đưa ra thị trường được.
Từ thực tế gian nan như vậy, ông Huynh khuyên các bạn trẻ hãy mạnh dạn, biến ước mơ của mình thành hiện thực. Nhưng phải thực sự yêu thích AI.
“Và đừng bao giờ nghĩ AI là con đường trải toàn hoa hồng, theo AI để kiếm được bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, mà trước hết hãy làm, sống bằng đam mê của mình. Khi mình có cống hiến thì sự cống hiến của bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng”, ông Huynh nói.
Cuộc sống của ông Huynh cũng có những thử thách, khi cơn sốt bại liệt năm ông lên 4 tuổi khiến ông phải di chuyển bằng nạng, thế nhưng, bản thân ông Huynh chưa bao giờ coi đó là sự cản trở để ông thực hiện những ước mơ của mình, cho dù có những khó khăn.
Học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), từng làm cho nhiều công ty, cả của nước ngoài, nhưng rồi, ông Huynh đã quyết định về với OLLI MAIKA, thực hiện dự án trợ lý ảo.
“Tôi từng có suy nghĩ, trời ơi, khó thế này sao có thể làm được? Thực sự, tôi chưa bao giờ nghĩ, một công ty của Việt Nam lại có thể mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực này”, ông Huynh chia sẻ.
Lý giải thêm lý do vì sao làm trợ lý ảo thuần Việt rất khó, ông Huynh cho biết phần cốt lõi của trợ lý ảo Maika chính là hệ thống AI nghe, hiểu, nói và đàm thoại bằng tiếng Việt. Các bài toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên này phải hiểu được nhiều phương ngữ, cách xưng hô, hoàn cảnh giao tiếp.
Việc làm chủ phần cứng vừa là thách thức về công nghệ, nhưng cũng là lợi thế cho OLLI trong việc làm chủ trải nghiệm của người dùng, với những giải thuật xử lý âm thanh và AI ngay trên thiết bị. Chính vì vậy mà OLLI thực chất là một công ty về AI cho ngôn ngữ Việt.
Theo Giám đốc sản phẩm OLLI, trí tuệ nhân tạo phải đưa vào thực tiễn, phục vụ cho thực tiễn cuộc sống, cho nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp. Hiện tại, nguồn nhân lực AI của Việt Nam đang thiếu. Các trường đại học đào tạo nhân lực AI nên có sự kết hợp với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp tiếp cận với người dùng, thị trường, hiểu rõ thị trường cần gì. Khi có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, và Chính phủ ban ngành trong việc đưa ra định hướng, chắc chắn sẽ có đầu ra AI tốt cho thị trường, giúp cho nền sản xuất công nghiệp cũng như trí tuệ của Việt Nam mở rộng.

Ông Trịnh Đình Huynh chia sẻ, việc sản phẩm được lọt vào top 5 giải thưởng Trí tuệ nhân tạo năm 2022 là một vinh dự lớn và niềm vui với những người thực hiện dự án. Bởi xã hội, Chính phủ đã rất quan tâm tới phát triển lực vực này. Đặc biệt, những doanh nghiệp lớn đã đồng hành với doanh nghiệp nhỏ để đưa AI ứng dụng trong cuộc sống và trong sản xuất.


Mời quý độc giả xem video: Ông Trịnh Đình Huynh, Giám đốc sản phẩm OLLI Technology chia sẻ cảm xúc khi đại diện công ty nhận giải top 5 của cuộc thi AI Awards 2022.



Mai Loan