Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới khoảng 300 tỷ đồng.
Sàn giao dịch "ma" do người Trung Quốc cầm đầu
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, đường dây lừa đảo này do một nhóm đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, cấu kết với các đối tượng người Việt Nam để xây dựng và vận hành sàn giao dịch ngoại hối ảo mang tên Verbo Capital. Hai đối tượng chính bị bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Chung (SN 1995, trú tại huyện An Phú, tỉnh An Giang) và Phạm Trần Phương Anh (SN 1999, trú tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).
 |
Đối tượng Phạm Trần Phương Anh tại cơ quan Công an. |
Nhóm này tự tạo lập một nền tảng đầu tư ngoại hối giả, sử dụng các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram để quảng bá, lôi kéo người dân tham gia đầu tư. Sau khi người chơi đăng ký tài khoản, nhóm đối tượng cung cấp hướng dẫn nạp tiền, đặt lệnh đầu tư, đồng thời can thiệp kỹ thuật vào hệ thống, điều chỉnh các thông số như Spread (chênh lệch giá mua và bán), thay đổi tỷ lệ đòn bẩy... khiến tài khoản của người chơi liên tục thua lỗ theo kịch bản đã định.
Tổ chức theo mô hình đa cấp, chiếm đoạt có hệ thống
Để hoạt động lừa đảo diễn ra trơn tru và khó bị phát hiện, các đối tượng tổ chức theo mô hình đa cấp với hàng loạt "nhân viên tư vấn", đóng vai chuyên gia tài chính, hỗ trợ trong các nhóm chat kín. Các "chuyên gia" này thực hiện thao tác "hô lệnh", tạo cảm giác chuyên nghiệp nhằm chiếm lòng tin của nhà đầu tư.
 |
Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo điều tra vụ án. |
Khi người chơi muốn rút tiền, nhóm đối tượng tìm cách trì hoãn, dụ dỗ tiếp tục nạp thêm vốn để "gỡ gạc", thực chất là dẫn dụ đến khi tài khoản bị rút sạch. Số tiền chiếm đoạt được chia theo cấp bậc quản lý trong đường dây.
Từ tháng 9/2024 đến nay, sàn Verbo Capital đã ghi nhận khoảng 5.700 lượt giao dịch, với khoảng 4.000 bị hại trên cả nước, tổng số tiền người chơi nạp vào lên đến 300 tỷ đồng.
Nhiều người "sập bẫy", trắng tay vì tin lời "chuyên gia tài chính"
Theo phản ánh từ cơ quan điều tra, nhiều nạn nhân là những người chưa có kiến thức chuyên sâu về đầu tư tài chính, bị thu hút bởi các quảng cáo đánh vào tâm lý "đầu tư ít, lợi nhuận cao", "chuyên gia tư vấn tận tình", và "rút tiền dễ dàng".
 |
Sau khi người chơi đăng ký tài khoản, nhóm đối tượng cung cấp hướng dẫn nạp tiền, đặt lệnh đầu tư, đồng thời can thiệp kỹ thuật vào hệ thống, điều chỉnh các thông số như Spread (chênh lệch giá mua và bán), thay đổi tỷ lệ đòn bẩy... khiến tài khoản của người chơi liên tục thua lỗ theo kịch bản đã định. |
Chị L.T.H. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết ban đầu chỉ đầu tư 5 triệu đồng để "thử", nhưng sau khi thấy lãi hiển thị trên tài khoản tăng đều, chị tiếp tục nạp thêm 150 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau vài phiên đặt lệnh theo hướng dẫn từ nhóm “chuyên gia”, tài khoản của chị bất ngờ sụt giảm mạnh. Khi chị yêu cầu rút tiền, hệ thống báo lỗi kỹ thuật. Không lâu sau, tài khoản bị "bốc hơi" hoàn toàn.
Anh T.Q.K. (trú tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, vì tin tưởng bạn bè giới thiệu và bị thuyết phục bởi các buổi tư vấn trực tuyến, anh đã "xuống tiền" gần 500 triệu đồng với hy vọng tạo thêm nguồn thu nhập. Đến khi phát hiện sàn có dấu hiệu bất thường, anh mới biết mình đã bị lừa. “Tôi không nghĩ chúng lại tinh vi đến vậy. Mỗi lần hỏi, họ đều giải thích như chuyên gia thực thụ,” anh K. nói.
Theo thống kê ban đầu, có hơn 4.000 người là nạn nhân, với số tiền bị chiếm đoạt từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/người, thậm chí có trường hợp mất hơn 1 tỷ đồng.
Chuyên gia cảnh báo "người dân cần tỉnh táo"
Bình luận về vụ việc sàn Verbo Capital bị triệt phá, chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc một công ty tư vấn đầu tư tại Hà Nội, cho rằng: “Đây là một ví dụ điển hình cho mô hình Ponzi 4.0, nơi công nghệ được sử dụng để ngụy trang cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
 |
Một người chơi đã lên mạng xã hội và các hội nhóm lên tiếng cho thấy sàn giao dịch này có dấu hiệu lừa đảo. |
Theo ông Tuấn, các sàn giao dịch ngoại hối không được cấp phép tại Việt Nam hiện đang mọc lên tràn lan dưới nhiều tên gọi khác nhau. Chúng thường đánh vào tâm lý ham lãi cao, ít rủi ro, sử dụng các hình thức quảng cáo qua người nổi tiếng, livestream tư vấn "chuyên nghiệp", hoặc thậm chí thuê văn phòng, nhân viên ăn mặc lịch sự để tạo sự tin tưởng.
"Thủ đoạn phổ biến là cho người chơi thấy lãi trong thời gian đầu, để họ nạp thêm tiền rồi sau đó âm thầm điều chỉnh hệ thống khiến người chơi mất trắng. Điều đáng lo ngại là nhiều người tham gia không biết mình đang giao dịch trên một sàn hoàn toàn không có thật về mặt pháp lý,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cũng cảnh báo: mọi sàn giao dịch ngoại hối tại Việt Nam hiện nay đều chưa được cấp phép hoạt động. Người dân cần kiểm tra kỹ các tổ chức trung gian, nền tảng tài chính trước khi chuyển tiền đầu tư.
Đồng loạt bắt giữ, phong tỏa tài sản phạm tội
Sau thời gian điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã đồng loạt triển khai 5 tổ công tác tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ các đối tượng liên quan. Tang vật thu giữ gồm 26 máy tính, 1 iPad, 1 máy in, 32 điện thoại di động, 1 ô tô Mercedes E200 BKS 18Đ-338.48 và phong tỏa tài khoản trị giá khoảng 8,5 tỷ đồng.
Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.
Chính Trí