Mạnh dạn trồng dừa sáp theo phương pháp nhân giống mới
Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Trà Vinh có hệ thống sông rạch phong phú, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ quanh năm, là điều kiện tốt để tỉnh phát triển nền sản xuất nông nghiệp phong phú, đa dạng. Đặc biệt, cùng với những cù lao, cồn nổi ven sông, các vườn cây ăn quả đặc sản chuyên canh tỉnh Trà Vinh có lợi thế phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.
Trong số những đặc sản của Trà Vinh, dừa sáp là loại trái được nhiều du khách ưa thích, và khi nhớ đến Trà Vinh là nhớ ngay tới những trái dừa sáp dẻo ngon.
|
Vườn dừa sáp của anh Đặng Minh Bé. Ảnh: Mai Loan. |
Chúng tôi đến thăm vườn dừa sáp của anh Đặng Minh Bé ((ấp Bình La, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành) – vườn dừa sáp có diện tích lớn nhất Trà Vinh trong một buổi trưa tháng 3. Ánh nắng chiếu xuyên qua tán lá những hàng dừa soi bóng mặt nước đem tới cho du khách ấn tượng về vẻ đẹp thật bình yên, êm ả của khu vườn rất “miền Tây”. Bên cạnh dừa, còn có cóc, xoài… cũng đều đang ra trái.
|
Vẻ đẹp bình yên của vườn dừa. Ảnh: Mai Loan. |
Anh Bé thoăn thoắt bổ trái dừa sáp. Phần cơm dừa vun đầy, trắng muốt hiện ra. Lớp trên cùng của cơm dừa trong veo, dẻo sánh như keo. Đưa thìa, nạo thử phần này đưa vào miệng, vị ngầy ngậy, thơm, sánh thật đặc biệt. Dừa sáp có thể ăn không, hoặc dầm với sữa đặc, kèm đá đều rất ngon. Giữa tiết trời oi bức, gọi một cốc dừa sáp dầm, cái mệt mỏi như tan biến đi.
|
Anh Đặng Minh Bé bổ dừa sáp mời khách. Ảnh: Mai Loan. |
Anh Đặng Minh Bé chia sẻ, anh quê ở huyện Cầu Kè – nơi quê hương của cây dừa sáp. Mới đầu, các nhà vườn chỉ trồng loại quả này để ăn và làm quà tặng. Tuy nhiên, sau đó, loại trái này được khách du lịch ưa chuộng tìm mua. Sau đó, dừa sáp đã trở thành thương hiệu đặc sản của vùng đất Cầu Kè, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
|
Trái dừa sáp với phần cơm dừa trắng muốt, dẻo thơm. Ảnh: Mai Loan. |
Khi về lập nghiệp tại ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, anh Bé ấp ủ muốn đưa cây dừa sáp về phát triển tại vùng đất này.
Tuy nhiên, theo phương pháp ươm giống bằng cách cổ truyền, chọn trái không sáp trên quầy dừa có trái sáp để ươm thành cây, tỉ lệ đậu trái dừa sáp rất thấp, một buồng thường chỉ có 2-3 trái dừa. Ngoài ra, khi đưa ra khỏi huyện Cầu Kè thì cây không cho ra trái sáp nữa.
|
Bát dừa sáp dầm sữa đá thơm ngon. Ảnh: Mai Loan. |
Với quyết tâm đưa cây dừa sáp về huyện Châu Thành và làm giàu được từ loài cây này, anh Bé đã tìm hiểu về phương pháp ươm giống từ nuôi cấy phôi.
Với phương pháp này, phôi trong trái dừa sáp được lấy ra và cấy, nuôi trong môi trường dinh dưỡng. Khi phôi phát triển thành cây con khoảng 12 tháng tuổi được đem ra vườn ươm. Khi cây cao gần 1m có thể bán ra thị trường.
Năm 2013, anh Bé đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 200 cây dừa sáp bằng phương pháp ươm giống này trên diện tích 2ha và kết quả vượt ngoài sự mong đợi.
Mô hình chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu
“Cây dừa sáp cấy phôi có thể chịu độ mặn rất cao, trồng được ở những vùng đất khó. Đây là loại cây thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Đặc biệt, dừa sáp truyền thống, mỗi buồng chỉ cho tỷ lệ trái dừa sáp từ 20 - 30%, nhưng với giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, tỷ lệ trái dừa sáp đạt từ 80 - 90%. Có thể nói, trồng dừa từ nguồn giống nuôi cấy phôi đã khắc phục được hoàn toàn những hạn chế của phương pháp ươm giống cổ truyền”, anh Bé chia sẻ.
|
Với giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, tỷ lệ trái dừa sáp đạt từ 80 - 90%. Ảnh: Mai Loan. |
Sau 3 năm trồng, vườn dừa sáp của anh Đặng Minh Bé đã cho thu hoạch. Một năm, cây có thể cho thu hoạch đến 13 lần, mỗi cây dừa cho thu 7 trái/đợt. Tại thời điểm năm 2021, giá bán trái dừa sáp dao động từ 100.000 - 130.000đ/trái. Bình quân, mỗi cây dừa sáp cấy phôi cho thu khoảng 1 triệu đồng/tháng, hiệu quả gấp 5 - 10 lần dừa sáp trồng bằng phương pháp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa thông thường.
Cho đến thời điểm này, sau dịch COVID-19, cuộc sống trở lại bình thường, du lịch kích cầu, giá bán trái dừa sáp đã tăng lên 180 – 200.000 đ/trái. Sản lượng dừa cũng tăng lên từ 30 - 40 lần.
|
Hiện tại, thu nhập từ vườn dừa sáp của anh Đặng Minh Bé là từ 150 – 200 triệu đồng/tháng |
“Trước đây thu nhập từ vườn dừa sáp là khoảng 100 triệu đồng/tháng, thì giờ đã tăng khoảng từ 150 – 200 triệu đồng/tháng. Lý do là cây dừa sáp đã đạt đến độ tuổi cho trái ổn định, và giá thành cũng cao hơn”, anh Bé cho biết.
Anh Bé cho biết, sản phẩm từ dừa sáp chủ yếu để ăn tươi vẫn chưa khai thác hết và chủ yếu cung cấp ở trong nước. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu, nguyên liệu làm mỹ phẩm, dược phẩm vẫn chưa được khai thác.
Sắp tới, dự định của anh Bé là sẽ không chỉ bán dừa ăn tươi, mà còn làm mứt dừa sáp, mỹ phẩm dược liệu, bánh, kẹo… Đây là những mặt hàng được mọi người ưa thích, đặc biệt khách du lịch đến Trà Vinh có thể mang về làm quà, đồ biếu, tặng. Bên cạnh đó, anh còn lấy phôi sản xuất cây giống, để bà con cùng làm giàu.
|
TS Nguyễn Hồng Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hoàng Yến. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Hồng Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, ĐBSCL là 1 trong 5 đồng bằng dễ tổn thương nhất thế giới vì biến đổi khí hậu. Hiện nay, một số địa phương, đặc biệt các vùng ven biển như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng đã có những hành động kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, theo giải pháp mềm và cứng. Trong đó, phần lớn giải pháp mềm là “không hối tiếc”, phát triển uyển chuyển theo tự nhiên. Mô hình trồng dừa sáp của anh Bé cũng là một trong những ví dụ về của “giải pháp mềm”. “Đừng coi hạn mặn là kẻ thù”, ông Tín nhấn mạnh.
Anh Đặng Minh Bé cho hay, kỹ thuật trồng dừa sáp cấy phôi không khó, song cần chăm sóc kỹ hơn dừa thường phát hiện sớm, điều trị kịp thời dịch hại, bệnh hại, chủ yếu là bọ cánh cứng và thối đọt.
Để đạt được năng suất cao nhất, nên trồng thưa, mô cách mô từ 7 mét trở lên. Sau khi thu hoạch 3 đợt nên bón lót một lần phân hoá học. Mỗi năm nên bón hai lần phân hữu cơ. Mùa khô nên tưới thường xuyên để không rụng trái.
Dừa sáp thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn, là loại cây có thể chuyển đổi, đem lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, “giống dừa này hoàn toàn có thể trồng được ở các vùng khác trên cả nước”, anh Bé chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video: Hệ thống tưới sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo phục vụ trồng màu thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân Trà Vinh do Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan