"Thiên hà lùn bùng nổ sao" là thuật ngữ mà các nhà khoa học dùng để chỉ ESO 495-21, vật thể mà Kính viễn vọng không gian của NASA/ESA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ/Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) vừa ghi nhận được.
|
Thiên hà lùn mang lỗ đen "quái vật" quá lớn mà Hubble đã tìm thấy - ảnh: NASA/ESA
|
ESO 495-21 chỉ rộng 3.000 năm ánh sáng, tức khoảng 3% so với thiên hà Milky Way của chúng ta (đa số nghiên cứu ước tính Milky Way có đường kính trên 100.000 năm ánh sáng, có nghiên cứu cho thấy có thể lên đến 180.000 năm ánh sáng). Tuy nhiên, thiên hà lùn này sở hữu một lỗ đen khổng lồ, hoàn toàn không cân đối với kích thước thiên hà. Nó có khối lượng tương đương 1 triệu mặt trời, tức khoảng 23,2% lỗ đen Sagittarius A* của Milky Way.
Chưa kể, đây là một thế giới trẻ trung và sôi động. Cũng như một số thiên hà thuộc nhóm Starburst (bùng nổ sao) khác, bên trong nó là sự ra đời ồ ạt của vô số ngôi sao sơ sinh. Tốc độ hình thành sao của ESO 495-21 đang nhanh gấp 1.000 lần Milky Way.
Theo NASA, vật thể này có thể đưa ra manh mối về bức chân dung thực sự của các thiên hà và lỗ đen đầu tiên phát triển trong vũ trụ sơ khai. Lỗ đen siêu lớn này cũng làm dấy nên trở lại cuộc tranh luận muôn thuở về thiên hà – lỗ đen: liệu thiên hà hình thành trước, sau đó nghiền nát vật chất tại tâm của chúng và hình thành lỗ đen trung tâm; hay lỗ đen tồn tại trước sau đó tập hợp vật chất quanh chúng thành thiên hà?
ESO 495-21 lần này đã cung cấp một bằng chứng mạnh mẽ cho phe tin rằng lỗ đen hình thành trước, vừa là trái tim vừa là hạt mầm của thiên hà. Thiên hà nói trên được phát hiện ở khu vực gần chòm sao La Bàn (Pyxis).
Theo A.Thư/Người Lao động