“Khi tôi đang thu thập dữ liệu, tôi nhận ra rằng cơn lốc xoáy rất có thể đang giết người. Điều đó làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn nhiều và thực sự nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc mà tôi đang làm”, cô Robin Tanamachi nói.
Cô Tanamachi, một nhà khí tượng học và là Phó giáo sư tại Đại học Purdue ở Indiana (Mỹ), nhớ lại cơn lốc xoáy đáng nhớ nhất của mình. Đó là ngày 31/5/2013, cô đã chứng kiến một cơn lốc xoáy cực lớn và mạnh, với tốc độ gió 475 km/h, gần thành phố El Reno ở miền Trung Oklahoma. Cơn lốc xoáy El Reno, cơn lốc xoáy rộng nhất từng được ghi nhận, đã làm tám người thiệt mạng, bao gồm ba người săn bão.
|
Cô Karen Kosiba sử dụng mô hình thời tiết để theo dõi các điều kiện tạo ra lốc xoáy.
|
|
|
Các nhà khí tượng học như Tanamachi chuyên theo dõi những cơn lốc xoáy mạnh trên khắp nước Mỹ, tìm kiếm manh mối về sự hình thành của chúng để cố gắng cải thiện dự báo và cảnh báo. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (Noaa), trung bình có 1.200 cơn bão tấn công Mỹ mỗi năm. Năm 2023, nước này đã hứng chịu 1.423 cơn lốc xoáy, khiến 83 người thiệt mạng. Trong năm nay 1.397 cơn bão đã cướp đi sinh mạng của 39 người.
Sức mạnh của lốc xoáy được đo bằng thiệt hại mà nó gây ra. Và lốc xoáy có thể vô cùng tàn phá. Với sức gió lên tới 483km/h, lốc xoáy gây ra thiệt hại đôi khi lên tới hàng tỷ USD mỗi năm và vô số trường hợp tử vong.
Lốc xoáy hủy diệt sinh ra từ “siêu ô”, những cơn giông dữ dội tạo thành luồng xoáy và mang theo mưa lớn, gió mạnh và mưa đá. Một luồng gió thẳng đứng mạnh khiến không khí xoay theo chiều ngang bên trong “siêu ô”. Hình trụ này dần căng ra và bắt đầu quay nhanh hơn, trở thành một cơn lốc xoáy.
Trong mắt bão
|
Quá trình hình thành lốc xoáy vẫn là một bí ẩn lớn.
|
Vì sao chỉ một số cơn giông nhất định mới có thể tạo ra lốc xoáy dữ dội vẫn là một bí ẩn khí tượng. Theo Noaa, chúng “hiếm, nguy hiểm và khó đoán”. “Đôi khi, những siêu bão tưởng chừng hoàn hảo sẽ không tạo ra lốc xoáy, chúng chỉ ngồi đó và quay. Và chúng tôi cũng chỉ ngồi đó, khoanh tay chờ đợi”, cô Tanamachi cho biết.
Cô Tanamachi và các nhà khí tượng học khác đang cố gắng hiểu quá trình hình thành lốc xoáy. “Đó là một trong những bí ẩn chưa có lời giải đáp về khoa học giông bão, cụ thể là nguyên nhân khiến luồng hoàn lưu này sụp đổ thành lốc xoáy. Mỗi lần đi thực địa, chúng tôi lại có thêm một vài manh mối. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng nhận thêm nhiều câu hỏi mới”, cô nói.
Theo cô Karen Kosiba, một thợ săn bão và nhà khoa học khí quyển tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, việc săn bão giúp khám phá yếu tố tạo ra những cột không khí xoay mạnh mẽ này. “Chúng tôi cố gắng đặt các trạm thời tiết di động trên tuyến đường của một cơn lốc xoáy. Dữ liệu thực địa này cho phép chúng tôi nhìn thấy quá trình hình thành - điều mà các mô hình dự báo thời tiết không thể tiết lộ”, cô nói.
Những người săn bão có một khung thời gian rất hẹp để thu thập dữ liệu. “Một cơn lốc xoáy thực chất hình thành trong khoảng vài giây”, cô Tanamachi nói. Cô Kosiba cho biết các nhà khoa học thường chỉ có khoảng 15 phút để đến đúng địa điểm và lắp đặt radar và thiết bị giám sát của họ. “Rất khó để có được các phép đo… Khả năng thành công luôn thấp. Nó rất tốn kém, cả về mặt tiền bạc và thời gian”, cô nói.
Cô Kosiba nói thêm rằng, việc giám sát lốc xoáy yêu cầu sự chủ động hơn nhiều so với bão. Bão trải dài trên một khu vực rộng lớn, lên đến 1.609km và các nhà khoa học thường có thể dự đoán đường đi của chúng từ ba đến năm ngày trước khi đổ bộ.
|
Trung bình, có 1.200 cơn lốc xoáy xuất hiện khắp nước Mỹ.
|
Ngược lại, lốc xoáy là những luồng hoàn lưu nhỏ, hiếm khi có đường kính lớn hơn vài trăm mét và có thể kéo dài từ vài giây đến hơn một giờ. Vào mùa cao điểm, có thể có hơn 150 cơn lốc xoáy xuất hiện trên khắp nước Mỹ trong một ngày. “Lốc xoáy khó đoán hơn nhiều so với bão. Chúng là những hiện tượng nhỏ và chúng ta không thể biết liệu các thành phần phù hợp có kết hợp lại để tạo ra chúng hay không”, cô Kosiba nói.
Du lịch bão
Các nhà khoa học không phải là những người duy nhất săn lùng siêu bão. Họ cảnh báo rằng ngày càng nhiều người đi săn bão như một thú vui, điều đang gây nguy hiểm cho cả những người săn bão nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. “Nhiều người nghĩ rằng lốc xoáy là thứ mà bạn cần phải tránh. Thực tế không phải vậy; môi trường bão mới đáng sợ hơn nhiều”, cô Tanamachi nói.
Những thợ săn bão nghiệp dư thường theo dõi đường đi của lốc xoáy trên điện thoại, theo dõi các ứng dụng radar thời tiết và điều này có thể dẫn đến va chạm. “Lái xe mất tập trung và điều kiện thời tiết xấu có thể tạo môi trường nguy hiểm hầu như không liên quan gì đến lốc xoáy. Nhiều tài xế Mỹ tử vong trên đường trơn trượt mỗi năm hơn là tổng số người tử vong do lốc xoáy”, cô nói.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, gần 5.700 người tử vong và hơn 544.700 người bị thương trong các vụ tai nạn trên đường trơn trượt hàng năm. Trung bình mỗi năm, lốc xoáy khiến 80 người thiệt mạng và 1.500 người bị thương. Các nhà khoa học khuyên rằng những người đam mê nên đi theo chuyên gia để họ có thể đuổi theo cơn lốc xoáy một cách an toàn.
Cô Kosiba cảnh báo rằng, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng mặt. Cô kể lại việc chỉ đạo dự án triển khai các trạm thời tiết ở bang Kansas, trong mùa lốc xoáy năm 2012. Trời tối và nhóm nghiên cứu bị mất phương hướng về vị trí của họ. “Đột nhiên, gió trở nên rất mạnh... Hóa ra họ đã lái xe vào cơn lốc xoáy hai lần”, cô nói.
Cô Tanamachi hoàn toàn ủng hộ những thợ săn bão nghiệp dư, miễn là họ tuân thủ các hướng dẫn an toàn và hiểu được nguyên nhân vì sao mọi người đam mê hoạt động này đến vậy. “Tôi so sánh trải nghiệm này với việc xem nhật thực – nó gần như tâm linh”, cô nói. Đó là cảm giác của cô khi chiêm ngưỡng một cơn lốc xoáy di chuyển chậm gần thị trấn Rozel, Kansas, vào năm 2013. “Nó rất ăn ảnh – một hình phễu mỏng, đẹp như tranh vẽ ngay trước hoàng hôn. Chúng tôi chỉ ngồi ngắm nó trong 30 phút. Nó thực sự hút hồn và tuyệt đẹp”.
Theo Ngọc Diệp/Tiền Phong