|
Bỉ lo ngại TikTok sẽ lợi dụng thuật toán để thao túng thông tin. Ảnh: Bloomberg.
|
Mới đây, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã tuyên bố sẽ cấm TikTok trên mọi thiết bị di động thuộc chính phủ vì lo ngại vấn đề an ninh mạng, quyền riêng tư và nạn tin giả. Cụ thể, nền tảng chia sẻ video ngắn sẽ tạm thời bị xóa khỏi mọi thiết bị do chính phủ liên bang Bỉ mua trong vòng 6 tháng.
Thủ tướng Alexander De Croo cho biết lệnh cấm tại Bỉ được đề ra giữa bối cảnh xuất hiện hàng loạt cảnh báo từ các dịch vụ bảo mật của các bang và trung tâm an ninh mạng. Các cơ quan này cho rằng TikTok sẽ thu thập dữ liệu người dùng và biến thuật toán thành công cụ thao túng thông tin và nội dung mà họ tiếp cận.
Cơ quan an ninh của Bỉ còn cảnh báo rằng TikTok có thể chính là gián điệp của chính phủ Bắc Kinh.
“Chúng ta đang ở bối cảnh địa chính trị hoàn toàn mới khi các chiêu trò gây sức ép và giám sát giữa các quốc gia đang dần lan đến thế giới ảo. Chúng ta không thể quá ngây thơ bởi TikTok là một công ty Trung Quốc và phải sử dụng những công nghệ, dịch vụ của nước này. Đây chính là thực tế. Do đó, việc cấm TikTok trên các thiết bị chính phủ là điều hiển nhiên”, Thủ tướng Bỉ khẳng định.
|
Mỹ dẫn đầu làn sóng cấm TikTok tại phương Tây, theo sau là EU, Canada và giờ là Bỉ. Ảnh: New York Times.
|
Phản hồi về vấn đề này, TikTok bày tỏ sự thất vọng với lệnh cấm và cho rằng những nguyên nhân Thủ tướng Bỉ đưa ra chỉ dựa trên những thông tin sai lệch. Nền tảng video Trung Quốc sẵn sàng gặp mặt các chính khách để giải quyết mọi khúc mắc và làm sáng tỏ những hiểu lầm.
Đại diện TikTok cho biết mọi dữ liệu người dùng đều được lưu trữ ở các trung tâm tại Mỹ và Singapore. Đồng thời, họ sẵn sàng thuận theo những biện pháp khác để xoa dịu lo ngại của khu vực châu Âu về vấn đề thu lập và lưu trữ dữ liệu người dùng.
“Chính phủ Trung Quốc không có cách nào ép buộc một quốc gia phải giao nộp dữ liệu đang được lưu trữ trong chính lãnh thổ quốc gia đó”, TikTok nhấn mạnh.
Thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance ở Trung Quốc nhưng TikTok khẳng định đã chuyển trụ sở về Singapore vào năm 2020. TikTok đã tách khỏi tập đoàn mẹ của Trung Quốc từ lâu và phần lớn quyền sở hữu hiện nằm trong tay các nhà đầu tư quốc tế.
Song, nhiều số thị trường quốc tế lớn của TikTok như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đều có động thái cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ. Đầu tháng 3, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU đã có động thái tương tự khi yêu cầu các nhân viên chính phủ xóa ứng dụng TikTok trên tất cả thiết bị họ sử dụng cho công việc trước ngày 15/3.
Giới chức Mỹ và EU cho rằng Trung Quốc sẽ gây sức ép với ByteDance để thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng, hoặc lan truyền thông tin không chính xác có lợi cho Bắc Kinh.
Theo NBC News, làn sóng cấm cửa TikTok lan rộng là một phần trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cùng với các đồng minh trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ. Quan chức Canada cho hay Ottawa cùng các đối tác Mỹ và châu Âu có chung chính sách về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng các thiết bị thông tin truyền thông.
Tại Mỹ, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật không TikTok trên các thiết bị của chính phủ” vào tháng 12/2022. Ngày 1/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ còn bỏ phiếu ủng hộ dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị của Mỹ.
Theo Forbes, nếu dự luật được toàn thể Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua, chính quyền Tổng thống Biden có thể cấm TikTok cũng như bất kỳ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Washington cũng có thể có một lựa chọn khác là buộc TikTok bán lại toàn bộ hoạt động cho các công ty Mỹ.
Theo Thúy Liên/Zing