Tổng Thư ký Hội đồng Tối cao khảo cổ học của Ai Cập (SCA) Mostafa al-Waziri, cho hay phần trên của cột tháp được tìm thấy thuộc về nữ hoàng Ai Cập cổ đại Ankhesenpepi II, mẹ của vua Pharaoh Pepi II thuộc Vương triều thứ sáu cai trị Ai Cập từ năm 2278 đến năm 2184 trước Công nguyên.
|
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra phần phía trên của một cột tháp đá cổ từ thời kỳ Pharaoh có niên đại khoảng 4.300. Ảnh AFP |
Trong một tuyên bố ông Waziri cho biết, các nữ hoàng của Vương triều thứ sáu thường sử dụng hai cột đá hình tháp để trang trí tại lối vào của khu an táng của mình. Tuy nhiên, phần cột đá này được tìm thấy ở phía Đông của kim tự tháp nữ hoàng và khu nghĩa trang Ankhnespepy II. Điều này chứng tỏ cột đá đã bị di dời khỏi vị trí ban đầu. Khám phá này là kết quả nghiên cứu của một đoàn khảo cổ Pháp và Thụy Sĩ từ trường Đại học Geneva trong dự án hợp tác với Bộ Cổ vật Ai Cập.
Người đứng đầu đoàn khảo cổ của trường Đại học Geneva, giáo sư Philippe Collombert nói thêm phần trên của cột tháp được làm bằng đá granit hồng, cao 2,5 m. Đây là mảnh vỡ lớn nhất của một cột đá từ thời Cổ Vương quốc được phát hiện. Ước tính kích thước đầy đủ của cột đá này khoảng 5 m.
Tổng Thư ký SCA Waziri cho rằng, trên cột đá cũng có một số ký tự và dường như đó là dòng chữ bắt đầu của đề tựa và tên của nữ hoàng Ankhnespepy II, đồng thời nhận định rằng nữ hoàng Ai Cập Ankhnespepy II "có lẽ là nữ hoàng đầu tiên được khắc các văn bản trên kim tự tháp của mình".
Ông giải thích, trước nữ hoàng Ankhnespepy II, những chữ khắc như vậy chỉ được tạc trên kim tự tháp của các vị vua. Sau thời Ankhnespepy II, một số vợ của vua Pepy II cũng đã được tạc chữ trên lăng mộ.
Quận Saqqara của tỉnh Giza là nơi có nhiều kim tự tháp và khu phế tích Memphis nổi tiếng thuộc thời Ai Cập cổ Đại. Trong năm nay, các nhà khảo cổ tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả trong nghiên cứu khám phá Ai Cập cổ đại.
Tháng 5 vừa qua, các nhà khảo cổ Ai Cập đã phát hiện ra một phòng chôn cất của kim tự tháp thuộc Vương triều thứ 13 tại địa điểm khảo cổ Dahshur ở tỉnh Giza, có niên đại hơn 3.600 năm. Cũng trong tháng này, một nhóm khảo cổ Tây Ban Nha đã tìm ra di tích của một khu an táng gần 4.000 năm tuổi ở bên ngoài một ngôi mộ cổ ở thành phố Luxor. Đầu tháng 3, một đoàn chuyên gia Ai Cập và Đức cũng tìm thấy một tượng đá 3.000 năm tuổi được cho là của vua Ramses II ở quận Matariya của thủ đô Cairo.
Theo TTXVN