Sau khi các nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu như Samsung và Huawei tung ra vài thế hệ điện thoại di động màn hình gập, tin tức về thiết kế tương tự của Apple cũng dần xuất hiện.
|
Apple thử nghiệm thiết kế cho iPhone màn hình gập. Ảnh: Onemachi |
Đầu năm 2021, thị trường và chuỗi cung ứng bắt đầu rò rỉ thông tin mới về điện thoại di động màn hình gập của Apple. Vào tháng 1, Bloomberg cho biết Apple đã bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm điện thoại màn hình gập và tiến hành sản xuất bản nguyên mẫu. Điện thoại màn hình gập của Apple có kích thước tương tự như iPhone 12 Pro Max, nhưng có lẽ vẫn phải mất vài năm nữa mới có thể tung ra thị trường.
Theo tin tức từ các blogger công nghệ nổi tiếng, giải pháp điện thoại màn hình gập của Apple tương tự như Galaxy Z Flip của Samsung. Thời gian phát hành có thể sớm hơn tưởng tượng. So với những tin đồn về thời gian phát hành sản phẩm, bằng sáng chế màn hình gập của Apple lại là phát súng đầu tiên trong thị trường smartphone.
Ngay từ năm 2016, Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ đã công bố bằng sáng chế về một chiếc iPhone có thể gập lại với màn hình OLED dẻo, bề ngoài tương tự như điện thoại nắp gập của Motorola vào những năm 90. Apple cũng từng xin cấp bằng sáng chế cho một màn hình linh hoạt với cảm ứng chạm và có thể đóng mở như một cuốn sách, cùng một chiếc iPhone có thể gấp đôi lại.
Nhiều hãng công nghệ, bao gồm cả Apple, thường có thói quen đăng ký bản quyền bằng sáng chế cho nhiều ý tưởng. Nhưng trên thực tế, có rất ít bằng sáng chế được hiện thực hóa.
Không chỉ điện thoại màn hình gập, những chiếc điện thoại toàn màn hình của Apple cũng là tâm điểm chú ý của giới công nghệ. Thế giới bên ngoài đang đồn đoán, liệu điện thoại di động toàn màn hình hay màn hình gập của Apple sẽ là chiếc điện thoại đầu tiên xuất hiện.
|
Triển lãm di động toàn cầu MWC Thượng Hải. Ảnh: Zhihu |
Kể từ khi thế hệ iPhone đầu tiên tạo ra kỷ nguyên của màn hình cảm ứng, phong cách thiết kế tối giản và logic sản phẩm hướng đến chi tiết của Apple đã trở thành mục tiêu bắt chước của nhiều nhà sản xuất điện thoại di động. Nhưng trong thời đại của toàn màn hình và màn hình gập, Apple dường như luôn theo sau điện thoại Android.
Nguyên nhân iPhone chưa có điện thoại toàn màn hình
Năm 2018 và 2019, doanh số điện thoại Android bắt đầu “vượt mặt” Apple. Các nhà sản xuất điện thoại lớn đang thử nghiệm dòng điện thoại toàn màn hình. Năm 2019, Samsung tung ra điện thoại di động A80 với camera lật. Ở trạng thái thông thường, cụm camera này sẽ nằm ở mặt sau. Khi người dùng muốn chụp ảnh selfie, nó sẽ thò lên và xoay ra mặt trước.
|
iPhone vẫn trung thành với màn hình tai thỏ. |
Năm 2019, OPPO chính thức giới thiệu công nghệ camera ẩn dưới màn hình (Under-Screen Camera). Đầu năm 2020, Vivo cũng giới thiệu APEX 2020 màn hình cong tràn 2 cạnh kết hợp cụm camera dưới màn hình.
Ngược lại, Apple luôn "lười" thay đổi thiết kế trên những chiếc iPhone của hãng. Trước đây, công ty phát hành thiết bị theo chu kỳ "tick-tock", duy trì một thiết kế trong 2 năm. Ở năm đầu, iPhone sẽ có thiết kế hoàn toàn mới. Trong năm tiếp theo, hãng sẽ không thay đổi ngoại hình của sản phẩm mà tập trung nâng cấp hiệu năng và bổ sung một số tính năng mới.
Sau khi iPhone X ra mắt cùng với thiết kế với tai thỏ, Apple trở thành một "dị nhân" trong lĩnh vực điện thoại di động. Khả năng đổi mới của hãng cũng trở thành vấn đề bàn tán trong giới công nghệ.
"Các nhà sản xuất Android có thể tung ra nhiều mẫu mỗi năm, một số mẫu được bán với số lượng lớn và một số mẫu nhằm thăm dò công nghệ mới. Apple thì khác. Chỉ một vài mẫu được phát hành mỗi năm" - Fang Jing, nhà phân tích tại Cinda Securities cho hay.
Xét cho cùng, Apple không phải là một công ty công nghệ nổi tiếng với việc chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, các giải pháp điện thoại toàn màn hình vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Ví dụ: máy ảnh bật lên có thể bị va đập trong quá trình sử dụng; nước, bụi bẩn có thể làm hỏng các bộ phận cơ khí. Thêm vào đó, máy ảnh dưới màn hình không thể giải quyết tốt vấn đề hiển thị và truyền ánh sáng màn hình, dẫn đến hiệu ứng ảnh thực tế kém.
"Sau khi Cook tiếp nhận vị trí CEO, Apple dành nhiều năng lượng hơn cho hoạt động kinh doanh sinh thái. Doanh thu từ mảng kinh doanh Internet của Apple đã dần tăng lên và thu hút nhiều người dùng hơn thông qua các mức giá cả. Đổi mới phần cứng không còn là trọng tâm cốt lõi của Apple" - theo Fang Jing. Tuy nhiên, do các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và tình hình dịch bệnh, mọi thứ vẫn đang thay đổi.
Điện thoại màn hình gập và toàn màn hình gặp khó khăn
Năm 2019, Bloomberg đưa tin rằng các nhà cung cấp nội bộ của Apple đang thử nghiệm công nghệ nhận dạng vân tay trên màn hình. Thực tế, các nhà sản xuất điện thoại di động Android chính thống như Samsung, Huawei, OPPO, Vivo và Xiaomi đều đã áp dụng công nghệ nhận dạng vân tay trên màn hình để hạn chế rủi ro từ Face ID.
|
Smartphone màn hình gập Huawei Mate X |
Sau khi ra mắt nhận dạng vân tay vào năm 2013 và đổi mới thành nhận dạng khuôn mặt Face ID vào năm 2017, Apple có thể sẽ quay trở lại công nghệ nhận dạng vân tay một lần nữa vào năm 2021.
Tình hình dịch bệnh hiện nay đã và đang thúc đẩy quá trình này. Trong thời kỳ đại dịch, hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang, điều này đã cản trở nghiêm trọng đến việc sử dụng chức năng Face ID của Apple. Nhận dạng vân tay có thể là cải tiến lớn nhất trong lộ trình tiếp tục nâng cấp dòng sản phẩm iPhone trong năm nay.
Nếu điện thoại toàn màn hình đòi hỏi Apple phải đánh đổi giữa kỹ thuật và trải nghiệm người dùng thì điện thoại màn hình gập lại là một con đường hoàn toàn khác.
Năm 2019, Samsung và Huawei đã cùng nhau phát hành điện thoại di động màn hình gập và áp dụng hai phương án khác nhau - một kiểu gập vào trong và một kiểu gập ra ngoài. Cùng với việc sản xuất hàng loạt điện thoại di động màn hình gập quy mô lớn vào thị trường, một loạt các tình huống bất ngờ đã xuất hiện. Theo đánh giá của giới truyền thông về Galaxy Fold, màn hình điện thoại xuất hiện một điểm lồi ngay tại khu vực nếp gấp màn hình. Một vấn đề khác là việc màn hình Galaxy Fold sẽ hỏng nếu người dùng tháo miếng dán mà Samsung đã trang bị trước khi xuất xưởng.
Điện thoại màn hình gập Huawei Mate X có dấu hiệu nứt gãy và hoàn toàn không sử dụng được – giống hệt những gì đã diễn ra với một số máy Galaxy Fold lúc đầu. Điều khiến tình trạng của Mate X trầm trọng hơn là màn hình chính của Mate X hoàn toàn lộ ra ngoài khi gập thiết bị lại, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khả năng bị trầy xước và hư hỏng hơn.
Kết hợp với mức giá cao ngất ngưởng – ví dụ, 2.000 USD cho chiếc Samsung Galaxy Fold – chưa kể vô vàn vấn đề phức tạp liên quan lỗi thiết kế, smartphone màn hình gập chắc chắn còn khiến nhiều người mua e dè.
Apple dưới thời Steve Jobs hay Tim Cook luôn đảm bảo các thiết bị khi ra mắt phải thật hoàn hảo, ít lỗi. Từ bỏ thiết kế tai thỏ đồng nghĩa với việc Apple từ bỏ rất nhiều cảm biến AI và 3D, hay việc lựa chọn màn hình gập có thể phá vỡ bố cục dòng sản phẩm của Apple duy trì nhiều năm qua. Smartphone toàn màn hình hay màn hình gập là thành hay bại đối với Apple, e rằng chỉ thời gian và thị trường mới có câu trả lời.
Theo Thanh Hà/Viettimes