Với tốc độ và băng thông cao, 5G hứa hẹn sẽ cách mạng hóa lĩnh vực xe tự lái, robot và thiết bị thông minh. Hàng chục quốc gia trên thế giới đã công bố kế hoạch triển khai mạng 5G của riêng mình.
Được tạo ra với mục tiêu kết nối thế giới lại với nhau, tuy nhiên dường như 5G đang khiến chúng ta chia rẽ. Tâm điểm là căng thẳng giữa Mỹ - Trung trong các lĩnh vực thương mại, dịch Covid-19 và khả năng thiết bị của Trung Quốc gửi thông tin về Bắc Kinh khiến Huawei bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều quốc gia đang phải lựa chọn giữa việc sử dụng hạ tầng Huawei hoặc không phải Huawei để triển khai mạng 5G.
|
Mạng 5G hứa hẹn cho tốc độ nhanh hơn 50 lần so với Internet băng thông rộng tại nhà. Ảnh: Getty Images.
|
Chọn hay không chọn Huawei?
Scott Wallsten, Chủ tịch Viện Chính sách Công nghệ Mỹ cho rằng việc cân bằng giữa an ninh quốc gia với lợi ích thương mại đang gặp nhiều vướng mắc. Nói cách khác, quá trình triển khai mạng 5G cho thấy sự khó khăn của các nước phương Tây trong đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, lợi ích quốc gia và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mọi tranh cãi liên quan đến 5G đều hướng về Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới. Mỹ luôn cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật kinh doanh, được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn để cài phần mềm gián điệp lên thiết bị. Huawei chính là biểu tượng của tham vọng thống trị ngành công nghệ thế giới của Trung Quốc.
Hiện tại, Mỹ và một số đồng minh như Australia, New Zealand, Nhật, Đài Loan đã cấm Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc (như ZTE) khỏi hạ tầng 5G của họ. Trong khi đó, một số nước lại chùn bước khi vẫn tiếp tục sử dụng thiết bị Huawei như Argentina, Brazil, Nga, Philippines và Thái Lan.
Câu hỏi quan trọng là sự chia rẽ này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiêu chuẩn vốn được thiết kế mở và mang tính toàn cầu.
"Internet đang có nguy cơ phân mảnh, với sự khác biệt giữa cách mà các mạng kết nối với nhau", Wallsten nhận định.
Ngay cả khi 5G được xem là tiêu chuẩn toàn cầu, những kế hoạch về kỹ thuật vẫn cho thấy sự khác nhau giữa các quốc gia.
|
Huawei đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng mạng 5G tại Anh và nhiều quốc gia. Ảnh: FT.
|
Trung Quốc đang đóng góp nhiều nhất vào tiêu chuẩn mạng 5G
Mạng 5G được mô tả là có tốc độ lên đến 1 GB/s, nhanh hơn 50 lần so với Internet băng thông rộng trung bình tại Mỹ. Không chỉ người dùng mà các doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi nhờ mạng 5G.
Theo nhiều ước tính, 5G có thể tạo ra hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới. Không ngạc nhiên khi mọi quốc gia đều muốn là một phần của 5G.
Tiêu chuẩn kỹ thuật của 5G được phát triển bởi 3GPP (Dự án đối tác thế hệ thứ 3), liên minh gồm các tổ chức từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Hiện 3GPP đang hoàn thiện phiên bản thứ 16 của bộ thông số 5G với các tính năng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Theo thống kê phát hành tháng 8/2019 của IHS Markit, các công ty Trung Quốc đóng góp 59% vào tiêu chuẩn 5G của 3GPP, trong đó Huawei chiếm tỉ lệ cao nhất. Điều đó cho thấy Trung Quốc đang đóng vai trò lớn trong việc thiết lập tiêu chuẩn 5G so với Mỹ hay châu Âu - vốn là những cái tên dẫn dắt tiêu chuẩn 4G.
Rất khó để nói Trung Quốc sẽ nhận được gì nếu dẫn dắt tiêu chuẩn mạng 5G, ngược lại Mỹ sẽ mất những gì. Việc thành lập tiêu chuẩn kỹ thuật chung có thể giúp các nhà sản xuất phần cứng giành lợi thế trong việc sản xuất thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn ấy.
Tháng 11/2019, Mỹ đã cảnh báo về khả năng thiệt hại kinh tế và quân sự nếu để Trung Quốc vượt mặt trong lĩnh vực 5G. Sau đó vào tháng 6, chính phủ Mỹ cho biết sẽ sửa lệnh cấm để các công ty Mỹ tiếp tục làm việc với Huawei trong việc đặt tiêu chuẩn mạng 5G.
|
Nhật Bản có thể tận dụng khó khăn của Huawei để chạy đua trong việc triển khai mạng 5G trên toàn cầu. Ảnh: CNN.
|
Nhiều quốc gia đang có xu hướng về phe Mỹ trong cuộc đua 5G. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo cho biết "cơn sóng đang hướng về Trung Quốc" khi ca ngợi Ấn Độ, Pháp, Australia, Hàn Quốc và Anh đã từ bỏ hạ tầng của Huawei.
Cùng lúc đó, chính phủ Singapore đã chọn Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) để triển khai hạ tầng 5G tại quốc gia này.
Một số quốc gia lại đang hưởng lợi từ việc chọn Trung Quốc hay không Trung Quốc. Một ngày sau khi Singapore từ bỏ hạ tầng Huawei, nhà mạng NTT Docomo của Nhật Bản đã lên kế hoạch vận động sử dụng hạ tầng 5G của họ trên toàn cầu. Chính phủ Nhật cũng tuyên bố kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng công nghệ Nhật Bản trên thế giới.
Mạng 5G và chiến tranh Mỹ - Trung còn góp phần tạo ra liên minh mới giữa các quốc gia như D-10, liên minh các quốc gia do Anh thành lập gồm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ để phát triển công nghệ mạng 5G riêng, giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới Huawei.
Theo Phúc Thịnh/Zing