Quyết định trong nước mắt
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho hay, khi theo dõi những tin tức về vụ lũ quét ở Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai), nghe câu chuyện của các em nhỏ bỗng chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi, thầy rất xót xa. Suy nghĩ ‘nhất định phải làm gì đó bù đắp cho các con” cứ thôi thúc thầy.
|
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội). |
Trong đầu thầy nảy lên suy nghĩ, sẽ nhận “nuôi” tất cả các em may mắn còn sống sót, để các em được học hành tử tế, có được cuộc sống tốt hơn.
"Một tuần qua mọi người khóc, tôi cũng khóc. Nhưng rồi tôi nghĩ, chỉ khóc thôi ư? Cần phải làm gì để nguôi ngoai. Thế là nghĩ ra cách mình có thể làm: Nhận nuôi các cháu còn sống sót, bù đắp cho các em", thầy Khang chia sẻ.
Nghĩ là làm, thầy bèn nhờ chính quyền và phòng giáo dục huyện Bảo Yên lập danh sách các cháu từ 15 tuổi trở xuống, còn sống sót sau vụ lũ quét.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) và nhà trường đã lên kế hoạch nhận nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai tới năm 18 tuổi. Theo đó, thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie đã nhận cấp tiền 3 triệu đồng/cháu/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu của các bé.
“Thầy nhận con là cháu nội, đồng ý không?”
Học sinh đầu tiên của Dự án nuôi trẻ em và học sinh làng Nủ sau lũ quét là em Nguyễn Văn Hành, Trường THPT Bảo Yên. Trận lũ quét kinh hoàng đã khiến Hành mất đi gia đình, chỉ còn lại một mình trên đời. Bản thân Hành cũng bị gãy xương quai xanh, chấn thương phần mềm.
Xem phóng sự về Hành trên báo, ngay lập tức thầy Khang tìm cách kết nối với cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu Phó Trường THPT số 1 Bảo Yên. Sáng 17/9, khi cô Hồng đến bệnh viện thăm em Hành, cô đã kết nối điện thoại để thầy Khang nói chuyện với cậu học trò có số phận nghiệt ngã.
|
Tìm kiếm các nạn nhân bị lũ quét, sạt lở đất vùi lấp tại Lào Cai. Ảnh: Báo Nhân Dân.
|
Qua điện thoại, thầy Khang ân cần hỏi: "Hiện con ăn uống được không? Ăn gì, ngày mấy lần?". “Con ăn cháo, 3-4 lần mỗi ngày. Mỗi lần ăn một cốc nhỏ”, Hành đáp. “Bố mẹ con sinh năm nào?”, “Dạ, bố con sinh năm 1972. Mẹ con sinh năm 1983”.
“Bố mẹ con bằng tuổi con trai của thầy. Con hơn cháu nội út của thầy 1 tuổi. Vậy thầy nhận con là cháu nội. Con đồng ý không?”, thầy Khang hỏi. Nghe đến đây, cậu học trò mồ côi lặng người đi một lát rồi bật khóc, đáp: "Dạ, được ạ!".
Thầy Khang hỏi tiếp: “Trong phóng sự của Báo Thanh niên hôm qua con chia sẻ: Con không muốn học nữa, sẽ đi làm để kiếm sống. Bây giờ ông nội sẽ giúp con đủ tiền để ăn học. Ông và các cô giáo của con đều muốn con tiếp tục học xong lớp 12 và học lên nữa, con đồng ý không?”. Hành trả lời: “Con đồng ý ạ!”.
“Vậy ông nội sẽ cho Hành mỗi tháng 3 triệu (sau khi đã hỏi ý kiến cô hiệu phó về tình hình chi tiêu ở đây), khi nào có việc đột xuất cần thêm thì nói với ông. Ngày mai cô Hồng sẽ đi mở tài khoản ngân hàng cho con. Hàng tháng ông gửi tiền vào tài khoản đó. Hành hứa với ông như thế nào?”, thầy Khang hỏi.
“Con hứa với ông sẽ chăm học để tốt nghiệp. Còn học gì nữa cho con suy nghĩ thêm, cuối năm học con nói”, Hành xúc động. “Con hứa rồi nhé. Cố gắng lên con nhé!”, thầy Khang động viên “cháu nội”.
Chủ tịch Hội đồng trường liên cấp Marie Curie cũng cho biết thêm, đây là một dự án "còn lâu dài". Nhà trường sẽ tập trung vào việc cần thiết ban đầu là lập danh sách cụ thể, bao gồm tổng số trẻ bị ảnh hưởng, tên tuổi cụ thể; thống kê người nhận nuôi (đã có) trước khi tiến hành các bước tiếp theo.
Thầy Hiệu trưởng có biệt danh “ông nội”
Thầy Nguyễn Xuân Khang sinh năm 1949, là Hiệu trưởng Trường Marie Curie. Ở trường Marie Curie, thầy Khang được gọi bằng cái tên trìu mến: “Ông nội”. Cách gọi này xuất phát từ cách ứng xử mà thầy dành cho các học trò, luôn xem các con như con, cháu trong gia đình.
|
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang. (Ảnh: Trường Marie Curie). |
Hình ảnh thầy Hiệu trưởng ngồi ăn trưa, nói chuyện vui vẻ với học trò, cùng cá em tham gia các hoạt động thể thao... đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học trò Trường Marie Curie, để lại trong các em nhiều tình cảm sâu sắc.
Thầy Nguyễn Xuân Khang quê ở Nghệ An, là cựu sinh viên khoa Lý, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, thầy Khang trở thành giáo viên giảng dạy môn Vật lý cho khối phổ thông chuyên Lý của Trường. Sau khi nghỉ chế độ, ông đã sáng lập Hệ thống giáo dục Marie Curie, gồm cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Ở vai trò lãnh đạo điều hành Trường Marie Curie, thầy Khang đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong quản lý dạy và học. Thầy Nguyễn Xuân Khang là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.
Xuất phát từ một giảng viên nghèo, đến mức, chỉ có một bộ áo quần lành lặn và 2-3 bộ không đủ lành lặn để lên bục giảng, thầy Khang đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Vào tháng 2 năm nay, thầy Nguyễn Xuân Khang đã chi 100 tỉ đồng xây trường tặng bà con Mèo Vạc - huyện biên giới nghèo của tỉnh Hà Giang.
Tính tới ngày 17/9, tổng số người chết và mất tích tại Làng Nủ là 66 trường hợp, giảm 29 trường hợp so với số liệu công bố ban đầu. Trong đó, có 52 người chết, 14 người mất tích, 87 người đã được xác định an toàn, trong khi 15 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Mời quý độc giả xem video: 115 người thôn Kho Vàng di dời lên núi tránh sạt lở ở Lào Cai. Nguồn: Trưởng thôn Ma Seo Chứ.
Mai Loan