Công an tỉnh Bình Thuận đã công bố danh sách cụ thể các số điện thoại lừa đảo, kèm theo cảnh báo: Tuyệt đối không nghe, không gọi lại, không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào qua điện thoại!
Tuyệt đối đừng bắt máy những số điện thoại này
Theo đó, các số điện thoại được các đối tượng sử dụng để mạo danh nhân viên ngân hàng (mà chủ yếu là Vietcombank) gồm các số điện thoại sau:
- 0236.688.8766
- 0248.886.0469
- 02888.865.154
- 1900.355.561
Các đối tượng này thường gọi điện giả danh là nhân viên ngân hàng, thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu bất thường, bị khóa hoặc liên quan đến hoạt động rửa tiền. Sau đó, chúng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP hoặc tải về các ứng dụng giả mạo để chiếm đoạt tiền.
 |
Số điện thoại tự động tư vấn mở thẻ tín dụng của Vietcombank (Ảnh: Công An tỉnh Bình Thuận) |
Trong đó, gần đây nhất xuất hiện đầu số 02886.895.963 với cuộc gọi tự động tư vấn đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng và làm theo hướng dẫn với thoại tự động: “Chúc mừng quý khách đã đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Nếu khách hàng có nhu cầu, nhấn phím 1 hoặc nhấn phím 0 để gặp tổng đài viên”. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn, các đối tượng sẽ ngắt cuộc gọi và gọi lại, tự nhận là nhân viên của ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng để làm thẻ tín dụng.
Các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp một số thông tin, từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ của khách hàng. Các thông tin chúng yêu cầu cung cấp thường bao gồm:
- Thông tin thẻ: Hình ảnh thẻ; dãy số in trên thẻ; tên trên thẻ; màn hình hiển thị số thẻ đầy đủ trong dịch vụ ngân hàng số…;
- Mã OTP được gửi tới số điện thoại của Khách hàng.
- Các đối tượng lừa đảo cũng có thể yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số tài khoản, thông tin cá nhân (CCCD, hình ảnh sinh trắc học…), thông tin bảo mật dịch vụ (mật khẩu, OTP …) để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
- Các đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của chúng hoặc một tài khoản khác với mục đích “nâng điểm tín dụng để có đủ điều kiện phát hành thẻ”, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý đến một số số điện thoại thường xuyên có dấu hiệu mạo danh lực lượng Công an hoặc nhân viên điện lực, nhân viên thuế để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản hoặc tinh vi hơn là cài app thanh toán tiền điện và tiền thuế. Sau khi thao tác trên app liên quan đến mã OTP, bọn chúng sẽ chiếm toàn quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của người dân. Một số số điện thoại cần chú ý
Mạo danh cán bộ công an, điều tra viên:
- 0833.109.259
- 0853.975.728
Chiêu trò thường thấy là gọi điện báo người nghe có liên quan đến một vụ án, đang bị điều tra và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác xác minh, điều tra hoặc “đóng phí bảo lãnh”.
Mạo danh nhân viên điện lực:
- 0889.050.231
- 0917.896.904
Các số này thường thông báo người dân đang nợ tiền điện, nếu không thanh toán ngay sẽ bị cắt điện. Một số trường hợp tinh vi hơn, chúng còn hướng dẫn tải ứng dụng thanh toán để đánh cắp thông tin ngân hàng.
Mới đây, Công an xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ đã tiếp nhận đơn trình báo của anh T (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) về việc anh có nhận được số điện thoại xưng là nhân viên Chi cục thuế huyện Chương Mỹ, hướng dẫn anh kê khai thuế điện tử.
Đối tượng yêu cầu anh cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo". Sau khi cài đặt xong, anh nghi ngờ mình bị lừa đảo và kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ hơn 200 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
 |
Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới về tích hợp điểm giấy phép lái xe. (Ảnh: Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT ) |
Trong một trường hợp khác, chị L.T.L, ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được một phụ nữ gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, sẽ có cán bộ của phòng Kỹ thuật gọi điện để hướng dẫn cài đặt, tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.
Sau khi phụ nữ này tắt máy, khoảng 15 phút sau có số điện thoại 0818050180 gọi đến chị L giới thiệu cài đặt dịch vụ công để thực hiện luật giao thông mới. Mặc dù chị L cảnh giác nói bản thân đã cài đặt dịch vụ công và nghi ngờ lừa đảo, nhưng đối tượng trấn an chị L nếu lừa đảo, đối tượng sẽ yêu cầu chị L cung cấp thông tin nhưng đối tượng chỉ hướng dẫn chị L cài đặt dịch vụ và yêu cầu chị L kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn cài đặt dịch vụ.
Tin lời đối tượng, chị L đã cài đặt dịch vụ, các đối tượng đã yêu cầu chị L nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng mặt trước, mặt sau. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, tài khoản của chị L đã bị trừ mất số tiền 7.910.000 đồng.
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Trước tình trạng lừa đảo gia tăng, các cơ quan chức năng đã phát đi nhiều cảnh báo và khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP,... cho người lạ, đối tượng không quen biết. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định.
 |
Người dân nên cảnh giác các cuộc gọi có đầu số lạ. (Ảnh: Cục ATTT) |
Cục Thuế Hà Nội cũng khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ. Đồng thời, cảnh báo đến người nộp thuế khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo và đề nghị người nộp thuế, khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý rằng, Trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. (Ví dụ: Trang Thông tin điện tử Cục Thuế Hà Nội có tên miền: https://www.hanoi.gdt.gov.vn)
Các trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc thoại trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) và Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) khẳng định không thu tiền qua Zalo và tin nhắn SMS, cảnh báo người dân không thanh toán tiền điện qua các kênh này. Đồng thời nhấn mạnh, khi giao tiếp với khách hàng, nhân viên điện lực đều tuân thủ nghiệp vụ chăm sóc khách hàng, tuyệt đối không có thái độ khiếm nhã, không được phép sử dụng lời nói bất lịch sự khi giao tiếp với khách hàng.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An nhấn mạnh rằng các hành vi lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi, bao gồm cả việc giả mạo đầu số đáng tin cậy. Đại diện Cục cho biết: "Người dân cần xác minh thông tin thông qua các kênh chính thống trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào." Cục cũng khuyến nghị tăng cường sử dụng các phần mềm bảo mật và thường xuyên kiểm tra tài khoản ngân hàng để phát hiện sớm các giao dịch bất thường.
Hiệp hội an ninh mạng quốc gia khuyến khích sử dụng các phần mềm bảo mật như nTrust để phát hiện mã độc và ngăn chặn các nguy cơ lừa đảo. Ngoài ra, cần tuyệt đối không nhấp vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn hoặc email. Hiệp hội cũng cho biết họ đang phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa an ninh mạng.
 |
Người dân có thể tải miễn phí phần mềm nTrust về điện thoại. (Ảnh: Báo Công an Nhân Dân). |
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia – NCA: "Tội phạm công nghệ cao đang khai thác các lỗ hổng trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần tăng cường giáo dục cộng đồng và áp dụng các công cụ phát hiện lừa đảo tiên tiến hơn." Ông cũng khuyến cáo việc nâng cao năng lực pháp lý và phối hợp quốc tế để đối phó với các tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thời gian qua, Bộ Thông Tin Và Truyền Thông (TT&TT) đã triển khai dịch vụ định danh cuộc gọi (Voice Brandname) cho 732 số điện thoại thuộc cơ quan nhà nước. Khi nhận cuộc gọi từ những số đã được định danh, người dân sẽ thấy tên cơ quan hiển thị trực tiếp, giúp giảm nguy cơ bị lừa đảo.
 |
Cuộc gọi Voice Brandname sẽ hiển thị tên thương hiệu hay nhãn hàng tại máy nhận cuộc gọi. Cuộc gọi đến máy khách hàng sẽ hiển thị tên nhãn hàng thay vì số điện thoại như thông thường. (Ảnh: Báo Công An Nhân Dân) |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, một trong những thủ đoạn như các đối tượng gọi điện trực tiếp đến số điện thoại cá nhân, tự xưng cán bộ của các cơ quan để tạo niềm tin, sau đó yêu cầu người dân đến trụ sở gần nhất để giải quyết các thủ tục hành chính, phối hợp làm việc.
Khi người dân cho biết không có thời gian, các đối tượng sẽ tiếp tục dụ dỗ làm việc qua điện thoại, yêu cầu tải ứng dụng, truy cập trang web giả mạo để đánh cắp thông tin. Sau khi thực hiện xong, đối tượng sẽ chặn liên lạc, sử dụng thông tin nạn nhân cung cấp để chiếm đoạt tài sản. Hành vi sử dụng các số điện thoại gọi điện để giả danh công an, nhân viên thuế, nhân viên ngân hàng, nhân viên điện lực nhằm lừa đảo người dân được coi là hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi trên đã dùng các thủ đoạn công nghệ, kỹ thuật để lừa đảo đánh cắp, chiếm đoạt thông tin, tài sản của người khác.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể, tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
 |
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
Bên cạnh đó, Nghị định 25/2014/NĐ-CP cũng định nghĩa vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao là hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP từ từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bi áp dụng phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Tình hình tội phạm liên quan đến các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức khác nhau để qua mặt người dân, gây thiệt hại lớn về tài chính. Để phòng tránh các hình thức lừa đảo này, người dân cần thực hiện các biện pháp cảnh giác và đề cao cảnh giác trong quá trình giao dịch, đặc biệt là khi nhận thông tin từ các nguồn không rõ ràng hoặc từ người lạ.
Thiên Trang