Tên lửa plasma hứa hẹn đưa người lên Sao Hỏa chỉ trong 2 tháng

Google News

Tên lửa plasma có thể rút ngắn quãng đường vốn cần tới 2 năm du hành.

Một hệ thống tên lửa tiên tiến có thể giúp con người rút ngắn thời gian du hành vũ trụ, trước là để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sau sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ di cư từ Trái Đất tới những hành tinh khác. Ở tương lai gần, các nhà khoa học mong muốn thuộc địa hóa Sao Hỏa, nhằm mở rộng quy mô sở hữu bất động sản của nhân loại.

Tuy nhiên, đường lên Sao Hỏa ẩn chứa vô vàn thử thách hóc búa. Sử dụng công nghệ tên lửa đẩy hiện hành, một con tàu sẽ phải mất trên dưới 2 năm để thực hiện một chuyến bay khứ hồi. Ấy là chưa kể lịch bay phải khớp với vị trí tương đối của Trái Đất và Sao Hỏa, để đường bay được tối ưu.

Ten lua plasma hua hen dua nguoi len Sao Hoa chi trong 2 thang

Hình minh họa hệ thống tên lửa mới - Ảnh: Howe Industries.

Những lý do trên đã hối thúc các nhà nghiên cứu tìm một phương án khả thi hơn. Với sự giúp sức của NASA, Howe Industries đang phát triển Pulsed Plasma Rocket (PPR, tạm dịch là “Tên lửa Plasma Đẩy theo nhịp”), có thể giúp hành trình từ Trái Đất đến Sao Hỏa chỉ còn dài 2 tháng.

Theo tuyên bố từ NASA, PPR có thể giúp tên lửa đưa phi hành gia và hàng hóa tới Sao Hỏa một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn tất cả các loại tên lửa đẩy hiện hành.

PPR sử dụng một hệ thống hạt nhân, thu được năng lượng từ cơ chế phân hạch để tạo ra lực đẩy cho tên lửa. Đề xuất mới từ Howe Industries cho thấy một hệ thống nhỏ gọn, đơn giản hơn và chi phí sản xuất rẻ hơn những mẫu trước đây.

Bên cạnh khả năng hỗ trợ du hành tới những hành tinh xa, tên lửa PPR còn có thể hậu thuẫn tải trọng lớn hơn, điều đó đồng nghĩa với việc tàu du hành tương lai có thể được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu tác động của bức xạ vũ trụ tới các phi hành gia.

Ten lua plasma hua hen dua nguoi len Sao Hoa chi trong 2 thang-Hinh-2

Bằng tên lửa mới, tàu vũ trụ có thể tới Sao Hỏa chỉ trong 2 tháng - Ảnh: NASA.

“PPR mở ra một kỷ nguyên khám phá không gian mới”, NASA cho hay. Tuyên bố chính thức của NASA cũng đồng thời khẳng định “hiệu năng của PPR có thể giúp sứ mệnh Sao Hỏa có người lái có thể được hoàn thành trong vòng 2 tháng”.

Hiện dự án PPR đã qua được Giai đoạn I, bao gồm nghiên cứu tính neutron của hệ thống đẩy, thiết kế tàu, nguồn năng lượng và các hệ thống con khác, v.v…

Hiện dự án đã đang đi vào Giai đoạn II, tại đây các kỹ sư sẽ tối ưu thiết kế động cơ, thực hiện thử nghiệm nhằm chứng minh động cơ PPR có thể hoạt động, đồng thời thiết kế một tàu vũ trụ phù hợp với PPR có thể đưa phi hành gia lên Sao Hỏa.

Nếu mọi sự diễn ra thuận lợi, Sao Hỏa sẽ sớm đón con người lên định cư lâu dài.

 
Theo ĐS&PL