Dưới triều vua Minh Mạng, để xây dựng một lực lượng thủy quân hùng mạnh và phát triển ngành hàng hải, vua đặc biệt quan tâm đến việc đóng các loại tàu và nâng cao kỹ thuật hàng hải. Vua nhấn mạnh rằng sự phát triển của thủy quân trước hết phụ thuộc vào những con tàu hiệu quả và để vận hành chúng cần có những thủy thủ thành thạo kỹ thuật.
Tranh thuyền chiến thời Nguyễn do Nguyễn Thứ, họa sỹ cung đình triều Nguyễn vẽ (Ảnh: Internet)
Và chiếc tàu thủy đầu tiên do người Việt Nam tự chế tạo xuất hiện dưới thời vua Minh Mạng. Thành công này không chỉ là một bước tiến về kỹ thuật mà còn phản ánh quyết tâm của nhà vua trong việc tự chủ, không phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Vua Minh Mạng muốn phát triển công nghiệp đóng tàu, không lệ thuộc vào nước ngoài
Trong sách Quốc triều chánh biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi: “Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839), ngài (Minh Mạng) ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước Sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đường vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lâu, vì cố tâu không thật đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau, ngài ban thưởng người giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Tháng 10, lại chế thêm một chiếc tàu máy lớn, phí tổn hơn 11.000 quan tiền. Ngài truyền bộ Hộ rằng: “Ta muốn công tượng nước ta đều biết tập nghề máy móc, vậy nên không kể phí tổn”” (NXB Thuận Hóa - 1998, tr.300).
Tàu thuyền thời Nguyễn được khắc trên Cửu đỉnh (chín cái đỉnh bằng đồng), đặt tại trước Thế miếu trong Hoàng thành Huế (Ảnh: Internet)
Cách ngày nay 186 năm, vào khoảng năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh cho Võ khố chế tạo tàu theo mẫu của phương Tây để sử dụng trong nước. Nhiều đại thần đã cố gắng khuyên can nhà vua vì lo ngại việc này sẽ gây tốn kém cho ngân sách. Tuy nhiên, Minh Mạng trả lời rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”.
Khi nhận được chỉ dụ, thợ thuyền trong công tượng ban đầu còn ngần ngại và tự ti, chưa hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của mình. Dù vua Minh Mạng đã nhiều lần thúc giục, không ai dám đứng ra nhận trách nhiệm. Trong lúc đó, một thợ rèn tên là Huỳnh Văn Lịch, người làng Hiền Lương, đã tự nguyện đảm nhận công việc này. Ông nhanh chóng được giao trọng trách làm giám đốc xưởng.
Ông Huỳnh Văn Lịch tuy không rành về máy móc nhưng lại là một thợ rèn xuất sắc. Cùng hợp tác với ông có ông Võ Huy Trinh, hai người chia nhau nhiệm vụ điều khiển nhóm thợ rèn, thợ nguội, dựa vào mẫu chiếc tàu từ thời vua Gia Long để triển khai công việc.
Khoảng năm 1838, Huỳnh Văn Lịch và Võ Huy Trinh đã chế tạo thành công tàu thủy hơi nước đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Internet)
Chẳng bao lâu sau, chiếc tàu đã được hoàn thiện, mô phỏng chính xác chiếc tàu của phương Tây. Vua Minh Mạng đã đích thân ra sông Ngự Hà để chứng kiến buổi chạy thử tàu. Chiếc tàu hoạt động trơn tru, tốc độ không thua kém tàu của phương Tây.
Rất hài lòng, vua Minh Mạng ngay lập tức ban thưởng cho hai ông mỗi người một chiếc nhẫn vàng và một đồng tiền vàng Phi Long cỡ lớn. Đốc công và binh tượng cũng được thưởng chung 1.000 quan tiền.
Vào tháng 10/1839, vua Minh Mạng tiếp tục cho đóng thêm một chiếc tàu lớn hơn, với chi phí lên đến 11.000 quan tiền. Thợ rèn Huỳnh Văn Lịch, người đã đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo tàu, được xem như kỹ sư chế tạo máy đầu tiên của nước ta.
Chiến thuyền nhà Nguyễn (Ảnh: Internet)
Dưới sự quan tâm đặc biệt của vua Minh Mạng, lực lượng thủy quân đã phát triển thành một đội quân hùng mạnh, được trang bị nhiều loại thuyền chiến và thuyền vận tải khác nhau. Lực lượng này không chỉ đáp ứng các yêu cầu trong chiến trận mà còn phục vụ hiệu quả cho việc giao thương trên sông nước của triều đình và các địa phương.