Chandrayaan-3, có nghĩa là tàu mặt trăng trong tiếng Phạn, dự kiến sẽ hạ cánh lúc 6 giờ tối nay theo giờ Ấn Độ ở gần cực nam của Mặt trăng, nơi ít được khám phá.
Một nỗ lực trước đó của Ấn Độ đã thất bại vào năm 2019 và sứ mệnh mới nhất này diễn ra chỉ vài ngày sau khi tàu Luna-25, sứ mệnh mặt trăng đầu tiên của Nga sau gần 50 năm, nhằm vào cùng một khu vực, cũng đã không thành công.
|
Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Nhưng cựu giám đốc cơ quan vũ trụ Ấn Độ K Sivan cho biết những bức ảnh mới nhất do tàu đổ bộ truyền về có các dấu hiệu cho thấy chặng cuối của chuyến hành trình sẽ thành công.
“Điều đó mang lại sự khích lệ nhất định rằng chúng tôi sẽ có thể hoàn thành sứ mệnh đổ bộ mà không gặp bất kỳ vấn đề gì”, ông cho hay.
Ông Sivan nói thêm rằng Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã tiến hành sửa chữa sau sự cố cách đây 4 năm, khi các nhà khoa học mất liên lạc với mô-đun mặt trăng trước khi nó hạ cánh.
“Chandrayaan-3 sẽ có độ chắc chắn cao hơn", ông khẳng định. "Chúng tôi có sự tự tin và chúng tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ".
Sứ mệnh đã được khởi động cách đây gần 6 tuần với sự cổ vũ của hàng nghìn khán giả, nhưng tàu mất nhiều thời gian hơn để đến được mặt trăng so với các sứ mệnh của Apollo vào những năm 1960 và 1970, vốn chỉ mất vài ngày.
Ấn Độ đang sử dụng tên lửa kém mạnh hơn nhiều so với những tên lửa mà Mỹ đã sử dụng trước đó, và thay vào đó, tàu thăm dò đã quay quanh Trái đất nhiều lần để tăng tốc trước khi bắt đầu hành trình lên quỹ đạo Mặt trăng kéo dài một tháng.
Ấn Độ có một chương trình hàng không vũ trụ với ngân sách tương đối thấp. Sứ mệnh mới nhất có chi phí vào khoảng gần 75 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác và là minh chứng cho việc tiết kiệm chi phí hiệu quả của nước này. Ấn Độ này lần đầu tiên gửi thành công tàu thăm dò lên quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2008.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể giữ chi phí thấp bằng cách sao chép và điều chỉnh công nghệ vũ trụ hiện có, đồng thời nhờ có nhiều kỹ sư tay nghề cao với mức lương thấp hơn các chuyên gia nước ngoài.
Năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quanh Sao Hỏa và dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh có người lái kéo dài 3 ngày vào quỹ đạo Trái đất vào năm tới.
Theo Hoàng Nam/Công Luận