Đoàn tàu trị giá nghìn tỷ
Ngày 8/10, tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức cập cảng Khánh Hội (TP.HCM), nhiều người dân tỏ ra vui mừng và hào hứng vì sau 10 năm chờ đợi, đoàn tàu metro đầu tiên về TP.HCM. Đây là đoàn tàu trị giá lớn và được trang bị nhiều công nghệ hiện đại.
Đại diện UBND TPHCM ký kết với công ty Hitachi (Nhật Bản) hợp đồng gói thầu số 3 cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, Hitachi sẽ cung cấp 17 đoàn tàu giá 37 tỷ yên (gần 8.000 tỉ đồng).
|
Đoàn tàu 17 toa của tuyến Metro số 1 trị giá 8000 tỷ đồng. |
Theo hợp đồng, Hitachi sẽ cung cấp các hệ thống đầu máy toa xe gồm 17 đoàn tàu 3 toa (tổng cộng 51 toa), hệ thống tín hiệu, hệ thống viễn thông thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cửa chắn ke ga, thu phí tự động và tiện ích depot. Hitachi cũng đảm nhận công việc bảo dưỡng 5 năm sau khi bắt đầu vận hành, thông qua một thoả thuận chi tiết ở giai đoạn sau. Đây được xem như dự án đường sắt đô thị hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam, và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) đã cam kết cung cấp vốn ODA theo điều khoản đặc biệt (STEP).
Cụ thể các thiết bị mà Hitachi cung cấp bao gồm: 17 đoàn tàu (tàu 3 toa) có vận tốc tối đa trên không là 110km/h và vận tốc tối đa ngầm dưới đất là 80km/h; hệ thống tín hiệu, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, cửa chắn ke ga, hệ thống thu phí tự động, tín hiệu và biển báo, đường ray, hệ thống tiếp điện trên cao…
Cách thức vận hành
Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km. Trong đó, đoạn đi ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Ba Son dài 2,6 km và đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Depot Long Bình dài 17,1 km. Tuyến có 14 nhà ga gồm 3 nhà ga ngầm và 11 nhà ga trên cao. Tổng mức đầu tư dự án tương đương 43.757 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố). Tuyến metro 1 kết nối trực tiếp với nhiều khu vực trọng điểm, đông dân của quận 9 như Khu công nghệ cao, khu du lịch Suối Tiên và đặc biệt là Bến xe Miền Đông mới. Tuyến metro số 1 sẽ là phương tiện vận chuyển, gom khách cho Bến xe Miền Đông mới và Khu công nghệ cao nên tuyến này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục vụ vận tải khách công cộng.
|
Tuyến Metro số 1 sẽ vận hành tự động, hiện đại. |
Lộ trình di chuyển tàu metro 1 như sau: Đường Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 - đường số 400 - Hoàng Hữu Nam - đường số 11 - kho metro Suối Tiên. Theo kế hoạch, tàu metro số 1 sẽ chạy thử theo ba giai đoạn. Ban đầu, tàu chạy thử trên đoạn Bình Thái - depot Long Bình (quận 9), tiếp đến là từ ga Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận 2). Đến đầu năm 2021, tàu chạy thử giai đoạn cuối từ ga Văn Thánh đến ga Bến Thành (quận 1). Hiện toàn tuyến đạt gần 76% khối lượng công việc và dự kiến cuối năm nay sẽ đạt 85%. TP.HCM kỳ vọng công trình này sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2021.
Điều đáng quan tâm, khi metro số 1 hoạt động, số tuyến xe buýt trên trục xa lộ Hà Nội sẽ phát triển thêm 7 tuyến buýt nhánh và 18 tuyến buýt gom khách đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Hệ thống buýt nhánh và buýt gom khách này tạo thành các đường "xương cá" kết nối vào các nhà ga metro. Bên cạnh đó, tuyến metro số 1 được cho là sẽ vận hành tự động. Theo đó, người dân sẽ sử dụng thẻ từ giống như BRT đang sử dụng để quét và di chuyển chứ không dùng hình thức bán vé. Hiện nay Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang triển khai thí điểm thẻ xe buýt thông minh. Đây là nền tảng để các đơn vị nghiên cứu tích hợp với hệ thống thẻ đi metro. Nguyên tắc xây dựng các loại thẻ này là không bắt buộc phải dùng chung công nghệ mà quan trọng là phải tương thích với nhau, tức khách hàng có thể dùng thẻ xe buýt đi metro, BRT và ngược lại.
Hải Nam