Bạn vừa đầu tư một chiếc TV mới với độ phân giải 4K cho cả gia đình. Dù vậy, chất lượng hình ảnh bạn nhận được lại không như mong đợi? Thực tế, bạn nhận thấy hình ảnh trông có phần giả tạo và không tự nhiên. Chắc chắn đây không phải là thứ bạn muốn nhận được khi bỏ ra một khoảng tiền kha khá để mua chiếc TV đời mới nhất.
Trước khi bạn quay trở lại cửa hàng và yêu cầu trả hàng, hãy bình tĩnh, rất có thể nguyên nhân là do những tính năng quá hiện đại trên TV hơn là do nhân viên bán hàng quảng cáo sai.
Nhiều dòng TV mới được trang bị nhiều tính năng tiên tiến giúp cải thiện hình ảnh hiển thị và được kích hoạt mặc định. Tuy nhiên, có thể chính những tính năng này lại là nguyên nhân khiến TV của bạn không còn sắc nét. Dưới đây là ba tính năng mà chúng tôi khuyên bạn nên tắt đi hoặc ít nhất là giảm mức cài đặt của chúng xuống.
Quá trình này sẽ đơn giản hơn nhiều đối với người dùng nhờ vào tính năng mới có tên "Chế độ nhà làm phim". Tính năng này được phát triển từ thông số hình ảnh của một số nhà làm phim nổi tiếng như Martin Scorsese và Christopher Nolan. Chúng ta sẽ bàn cụ thể hơn về tính năng này ở phần cuối bài viết.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo một số bài chia sẻ về cách thiết lập thông số tối ưu cho TV như độ tương phản, màu sắc… Và bạn cũng không phải quá lo lắng khi lỡ chỉnh quá tay vì mọi TV đều có tính năng "Khôi phục cài đặt gốc".
1. Giảm nhiễu (Noise Reduction)
"Ơ kìa, tôi không muốn TV của mình xuất hiện đầy đốm đâu!", chắc hẳn bạn đang nghĩ vậy.
Nhiễu, hay đôi lúc còn được gọi là "hạt mè", là những đốm đen và trắng xuất hiện trên màn hình. Đây là một vấn đề khá lớn đối với những dòng TV cũ, sử dụng sóng truyền hình analog, và đặc biệt nghiêm trọng ở những nơi có tín hiệu yếu. Và tất nhiên là dù TV của bạn có thể cải thiện lại hình ảnh khi sóng yếu thì hình ảnh vẫn có thể xuất hiện nhiễu.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tín hiệu truyền hình ngày càng tốt hơn. Ngày nay, đa số các nguồn nội dung kỹ thuật số đều có chất lượng cao dù bạn sử dụng sóng vô tuyến kỹ thuật số, tín hiệu chất lượng cao từ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, sử dụng các dịch vụ phát trực truyến hay thậm chí là sử dụng đầu đĩa Blu-ray.
Tính năng giảm nhiễu gây phiền phức ở chỗ là nó phải đánh đổi với sự chi tiết và cấu trúc hình ảnh. Khi được kích hoạt, tính năng này sẽ làm mượt hình ảnh để chúng trông mềm mại hơn. Tắt tính năng này, bạn sẽ nhận thấy hình ảnh hiện thị sẽ chi tiết hơn và trông chân thật hơn.
2. Điều chỉnh độ nét/Tăng độ nét đường viền (Sharpness Control/Edge Enhancement)
Một trong những tính năng "nói thì hay nhưng làm thì như …" chính là điều chỉnh độ nét. Vì trớ trêu thay, tính năng này không hề làm hình ảnh sắc nét hơn.
Công dụng của nó là khiến các chi tiết và cấu trúc vật thể trông rõ ràng hơn một cách giả tạo, đồng thời làm đường viền của vật thể trông nổi bật hơn. Khi mới nhìn vào, có thể bạn sẽ thấy ấn tượng vì các chi tiết trông rõ hơn, nhưng sự thật là nó đang khiến những chi tiết nhỏ bị lu mờ đi. Ngoài ra, việc tăng độ nét quá đà sẽ làm xuất hiện những vệt sáng quanh vật thể.
Vì vậy, bạn nên giảm tính năng này xuống hoặc tắt hoàn toàn. Lưu ý rằng một số mẫu TV đặt chỉ số mặc định cho độ nét là 0, nếu bạn giảm xuống dưới mức này thì hình ảnh sẽ được làm mềm đi.
3. Làm mượt chuyển động (Motion Smoothing)
Một trong những vấn đề của TV sử dụng tấm nền LCD là khi xem những chuyển động nhanh, như phim hành động hay xem thể thao chẳng hạn, hình ảnh có thể bị mờ đi.
Các nhà sản xuất TV đã sử dụng một loạt công nghệ để giảm bóng mờ chuyển động, trong đó có lặp khung hình và thêm khung hình đen vào video. Tính năng này có nhiều tên khác nhau đối với mỗi hãng như: Auto Motion Plus (Samsung), Motionflow (Sony) vàTruMotion (LG).
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Nhiều công ty kết hợp tính năng này với những công nghệ khác, được gọi là giảm rung. Các bộ phim điện ảnh thường sử dụng hiệu ứng giật hay rung lắc một cách chủ động, hay còn gọi là judder, nhất là khi ống kính lia nhanh qua một phân cảnh. Hiệu ứng này được tạo ra vì nhiều bộ phim điện ảnh và phim truyền hình được quay với tốc độ khung hình tương đối chậm, 24fps hay 24 Hz. Ngược lại, những chương trình khác được quay ở 60 Hz. Đó là lý do vì sao các chương trình thể thao, truyền hình thực tế… thường trông mượt hơn so với phim ảnh.
Tính năng làm mượt chuyển động cố gắng giảm hiệu ứng judder bằng cách tăng tốc độ khung hình thông qua một quá trình gọi là nội suy khung hình hay nội suy chuyển động.
TV sẽ phân tích khung hình của đoạn phim, thực hiện tính toán ước lượng các khung hình mới xen giữa những khung hình đã có sẽ trông như thế nào, và sau đó đưa những khung hình mới vào đoạn phim. Nhưng nếu bạn kích hoạt tính năng này khi xem phim, nó sẽ khiến bộ phim mất đi sự kịch tính, gai góc, thậm chí là làm chúng trở nên bình thường như những video tự quay, đây được gọi là "hiệu ứng phim kịch".
Nhiều TV có màn hình 120 Hz hoặc cao hơn cho phép bạn tắt tính năng làm mượt chuyển động tách biệt với tính năng giảm bóng mờ. Nếu có thể thì bạn hãy tắt tính năng làm mượt chuyển động đi.
Tuy nhiên, một số dòng TV lại kết hợp cả hai tính năng trên làm một, nên bạn không thể tắt hay bật riêng lẻ từng cái. Trong trường hợp này, tắt đi là sự lựa chọn hợp lý nhất.
Chế độ nhà làm phim
Như đã nói ở trên, chế độ nhà làm phim giúp loại bỏ hiệu ứng phim kịch. TV sẽ tự động tắt một số hiệu ứng can thiệp hình ảnh khi nhận thấy bạn đang xem một bộ phim, trong đó có cả làm mượt chuyển động. Hầu hết các sản phẩm mới của Samsung, LG trong năm 2021 đều được trang bị tính năng này.
Chế độ nhà làm phim giúp tinh chỉnh thông số hình ảnh để tối ưu cho người dùng trải nghiệm những bộ phim tại gia. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ cần phải tăng độ sáng màn hình một chút vì tính năng này mặc định bạn đang xem phim trong một căn phòng rất tối.
Theo Vnreview