Mỗi năm, khi tiết trời tháng Ba dịu mát, cây cỏ xanh tươi, người Việt lại hướng về ngày Thanh minh – dịp để con cháu trở về quét dọn mộ phần, thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên. Thanh minh không chỉ là một nghi lễ mang tính phong tục mà còn là thời điểm để con người tĩnh tâm, kết nối với cội nguồn.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống ngày càng bận rộn, khi khoảng cách địa lý khiến nhiều người không thể về quê hương, một hình thức mới đã xuất hiện: tảo mộ online. Dịch vụ này giúp những người ở xa có thể thực hiện nghi thức tảo mộ thông qua trung gian, từ dọn dẹp, thắp hương đến phát trực tiếp để con cháu theo dõi. Điều này làm dấy lên nhiều tranh luận: Liệu công nghệ có thể thay thế sự hiện diện thực tế của con cháu bên mộ phần tổ tiên? Hay quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính, bất kể hình thức thể hiện như thế nào?
Truyền thống mang giá trị tinh thần sâu sắc
GS.TS Đinh Quang Báo, chuyên gia tâm lý học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ rằng:
"Thanh minh tức là ngày thời tiết trong sáng, con người thảnh thơi nhất. Và chính những lúc như thế, con người lại nhớ đến tổ tiên, cũng là dịp để con cháu tỏ lòng tri ân."
Từ xa xưa, Thanh minh không chỉ là một nghi thức mang tính tâm linh, mà còn là một nét văn hóa truyền thống gắn kết gia đình. Khi cùng nhau tảo mộ, con cháu không chỉ làm sạch mộ phần tổ tiên mà còn kể lại những câu chuyện xưa, nhắc nhau giữ gìn đạo hiếu.
 |
Hình ảnh độc đáo về Tết Thanh minh ở Cao Bằng |
Nhưng bản chất của Thanh minh không nằm ở việc lau dọn mộ phần hay thắp bao nhiêu nén nhang, mà nằm ở tấm lòng tưởng nhớ tổ tiên. Đó là khoảnh khắc để mỗi người tự hỏi: Ta đã sống có hiếu nghĩa chưa? Ta có gìn giữ những giá trị mà tổ tiên để lại không?
Tảo mộ online: Giải pháp hay sự mai một truyền thống?
Trong những năm gần đây, tảo mộ online trở thành một dịch vụ phổ biến. Người dùng chỉ cần đặt hàng qua ứng dụng, nhân viên sẽ thay mặt họ lau dọn, cúng lễ và thắp hương. Với những người con xa quê, đây có thể là một giải pháp giúp họ thực hiện nghĩa vụ với tổ tiên dù không thể về quê.
 |
Con cháu dọn dẹp mộ phần cho tổ tiên dịp Tết Thanh minh |
Nhưng liệu một đoạn video phát trực tiếp có thể thay thế cảm giác khi tay vun nắm đất lên mộ phần, khi mùi nhang trầm lan tỏa giữa không gian yên tĩnh của nghĩa trang? Liệu việc chỉ ngồi trước màn hình điện thoại để "viếng mộ từ xa" có làm mất đi giá trị thiêng liêng của Thanh minh?
GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng:
"Cái biểu hiện về tấm lòng của thế hệ sau đối với thế hệ trước có thể khác nhau ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại. Quan trọng là chúng ta vẫn duy trì được tinh thần uống nước nhớ nguồn. Hình thức không quyết định tất cả, mà chính sự giáo dục và truyền dạy cho thế hệ sau mới là điều quan trọng nhất."
Điều đáng lo ngại không phải là tảo mộ online, mà là thế hệ sau có còn hiểu được ý nghĩa thực sự của việc này không. Nếu con cháu chỉ xem tảo mộ là một dịch vụ có thể mua bằng tiền, mà không có sự kết nối tinh thần, thì dù có đến viếng mộ trực tiếp, lòng thành kính cũng chỉ là hình thức.
Hình thức không quan trọng bằng tấm lòng
Xã hội thay đổi, phong tục cũng phải thích nghi, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là giữ được giá trị cốt lõi của truyền thống. Một người có thể đến tận mộ phần nhưng nếu chỉ làm cho có, thì đó cũng chỉ là một nghi thức trống rỗng. Ngược lại, một người dù không thể về quê nhưng vẫn luôn tưởng nhớ, sống hiếu nghĩa, truyền dạy con cháu về gia phong – đó mới là sự hiếu kính thực sự.
Vậy nên, thay vì tranh cãi về tảo mộ online hay truyền thống, chúng ta nên đặt câu hỏi lớn hơn: Làm sao để thế hệ sau vẫn luôn nhớ về cội nguồn, hiểu được ý nghĩa thực sự của Thanh minh?
GS.TS Đinh Quang Báo nhấn mạnh:
"Chúng ta phải luôn giáo dục thế hệ trẻ giữ lấy truyền thống uống nước nhớ nguồn. Chính dịp Thanh minh này là cơ hội để dạy con cháu về lòng tri ân với thế hệ trước."
 |
GS.TS Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội |
Dù tảo mộ theo cách nào, điều quan trọng vẫn là sự giáo dục. Hãy dạy con cháu về tổ tiên, về công lao của người đi trước. Hãy để các thế hệ sau hiểu rằng Thanh minh không phải là một nghĩa vụ, mà là một sự kết nối với cội nguồn.
Công nghệ có thể thay đổi cách chúng ta thực hiện nghi lễ, nhưng không thể thay đổi giá trị của lòng biết ơn và sự kết nối gia đình.
Dù ta viếng mộ theo cách nào, hãy luôn nhớ rằng: hiếu kính không nằm ở một nén nhang, mà nằm ở cách ta sống mỗi ngày – có xứng đáng với tổ tiên hay không.
Mời quý độc giả xem video: Tết Thanh minh trong tâm thức người Việt. Nguồn: VTV4.
Trần Liên