Các nhà khoa học từ lâu nhất trí với giả thiết Mặt trăng hình thành sau vụ va chạm giữa hành tinh cổ Theia với Trái đất cách đây 4,5 tỷ năm.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học đưa ra giả thiết "một vài phần" của Theia sau va chạm đã găm vào 2 lớp đá chôn sâu trong lớp phủ của Trái đất. Chúng là một trong những cấu trúc lớn nhất và kỳ lạ nhất trong số các cấu trúc trên Trái đất.
|
Hình ảnh mô phỏng vụ va chạm giữa Trái đất và Theia. (Ảnh: Worldnewser) |
Hai trong số những khối khổng lồ này được gọi các tỉnh có vận tốc cắt thấp lớn (LLSVP), một chôn vùi dưới châu Phi, khối còn lại nằm dưới Thái Bình Dương.
Kích thước của các khối này lớn tới nỗi chúng tạo ra các xáo trộn riêng, chẳng hạn như hiện tượng suy yếu từ trường của Trái đất ở Nam Đại Tây Dương.
Theo mô hình của các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Arizona (ASU), LLSVP có thể đại diện cho các mảnh vỡ cổ xưa của lớp phủ giàu sắt và dày đặc của Theia, chìm sâu vào lớp vỏ của Trái đất và bị chôn vùi ở đó trong hàng tỷ năm.
"Chúng tôi chứng minh được rằng lớp phủ của Theia về bản chất có thể dày hơn vài phần trăm so với lớp phủ của Trái đất, điều này cho phép các vật liệu của lớp phủ Theia chìm xuống lớp phủ sâu nhất của Trái đất và tích tụ, tạo ra các LLSVP", Tiến sĩ Qian Yuan tới từ Đại học Bang Arizona (ASU) cho hay.
Trên thực tế, giả thiết LLSVP nguồn gốc ngoài hình tinh từng được đề cập trong nhiều năm. Nhưng nghiên cứu mới đây dường như là công thức toàn diện nhất để chứng minh cho giả thiết trên.
Dù vậy, nhiều nhà khoa học vẫn hoài nghi về điều mà không ít người cho là điên rồ này.
Theo Diệu Hoa/ VTC