Tận mục cá cóc mới phát hiện ở Cao Bằng, loài "hiếm có khó tìm"

Google News

Các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và cộng sự đã tìm thấy loài cá cóc hiếm mới tại Cao Bằng. Đây là loài cá cóc lưng đen có nốt sần, sọc màu cam kéo dài dọc theo mép dưới của đuôi.

Các nhà khoa học đặt tên cho loài mới là cá cóc Cao Bằng - theo tên khu vực ghi nhận loài mới thuộc Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng. Phát hiện này đã được các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và cộng sự công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Alytes.
Cá cóc Cao Bằng có tên khoa học Tylototriton koliaensis, thuộc giống cá cóc (Tylototriton). Đây là loài cá cóc thứ 10 được phát hiện tại Việt Nam và loài thứ 42 trên thế giới.
Theo các chuyên gia, cá cóc Cao Bằng phân bố ở độ cao từ 1.000 - 1.400m so với mực nước biển, thuộc khu vực Đèo Kolia và Nông trại hữu cơ Kolia.
Tan muc ca coc moi phat hien o Cao Bang, loai
Loài cá cóc Cao Bằng mới phát hiện. Ảnh: Nikolay A. Poyarkov.
Cá cóc Cao Bằng có những đặc điểm nổi bật gồm: lưng màu đen, bụng màu xám đen, tứ chi màu đen. Đầu ngón chi trước và ngón chi sau, một phần của lòng bàn các chi có màu cam sáng, sọc màu cam kéo dài dọc theo mép dưới của đuôi đến cuối đuôi. Cá thể cá cóc Cao Bằng không có các vệt màu cam sáng trên tuyến mang tai hoặc nốt sần bên sườn.
Mùa sinh sản của cá cóc Cao Bằng từ tháng 4 - 7. Chúng xuất hiện ở các đoạn suối chảy chậm và các vũng nước sâu 30 - 50 cm. Vào mùa Đông, chúng ẩn nấp dưới các tảng đá và hang hốc trong giai đoạn sống trên cạn.
Các nhà khoa học đề nghị đưa loài cá cóc Cao Bằng vào Danh lục Đỏ thế giới, tình trạng bảo tồn ở mức nguy cấp do dễ tính chất bị tổn thương đối với các loài cá cóc nói riêng cùng với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Danh lục Đỏ thế giới (2/2025), 22 loài cá cóc (thuộc giống Tylototriton) xếp ở tình trạng bảo tồn từ sắp nguy cấp đến cực kỳ nguy cấp.

Mời độc giả xem video: Tận mục 8 động vật vô giá của nhân loại, Việt Nam góp mặt 1 loài.


Tâm Anh (TH)