Với những ai lần đầu đi máy bay, việc xả nước sau khi đi vệ sinh có thể để lại ấn tượng mạnh bởi nó không giống với những gì diễn ra dưới mặt đất. Một số hành khách sợ hãi trước tiếng động lớn khi xả nước. Số khác thì đặt ra câu hỏi: "Toilet trên máy bay liệu có hút được người không?". Trong khi đó, nhiều người lại khăng khăng cho rằng, lực hút toilet trên máy bay rất mạnh, sẽ rất nguy hiểm nếu như vẫn ngồi trên bồn cầu mà nhấn nút xả nước.
Được biết, nhà vệ sinh chân không xuất hiện trên máy bay từ đầu những năm 1980. Việc xả bồn cầu có thể hút cả người vào khi bạn nhấn nút xả mà không đứng dậy nghe giống một câu chuyện kinh dị, tuy nhiên thực tế, một số người đã bị mắc kẹt ở bồn cầu máy bay do không đứng dậy khi xả nước, vì lực hút chân không hình thành trong quá trình xả giữ chặt họ.
Năm 2019, nghệ sĩ piano Luka Zatravkin với cân nặng 200 kg đã bị mắc kẹt trong bồn cầu trong chuyến bay từ Kazan đến Moskva (Nga). Anh đã 4 lần bị mắc kẹt trong tình huống như vậy. Theo anh, lực hút chân không chỉ xảy ra nếu cơ thể một người "vừa khít" với miệng bồn cầu.
Về vấn đề này, trao đổi với VTC News, một lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) cho biết có chuyện nhiều hành khách ấn nút xả khi ngồi bồn cầu từng bị rơi điện thoại, hoặc bị hút quần vào bên trong, tuy nhiên nó không gây nguy hiểm cho con người. "Đây là chuyện bình thường, nhưng trường hợp này rất hạn hữu", ông này nói.
"Máy bay giống như một quả bóng. Hệ thống cabin trong máy bay cũng vậy. Nó là phòng kín, khi ai đó xả nước, tức là cửa xả đã mở (nó giống như làm xì hơi quả bóng), với sự chênh lệch của áp suất, tất cả mọi thứ sẽ bị hút ra ngoài. Vì vậy, nhiều người sử dụng bồn cầu xong ấn nút xả bị hút quần vào bên trong là chuyện bình thường”, vị lãnh đạo lý giải.
Một chuyên gia khác cho rằng, về lý thuyết, nếu ai đó ngồi khít bồn cầu, lấp hết đường thông khí thì khi xả nước sẽ có 1 lực hút làm họ hơi dính vào nắp bồn, nhưng chắc chắn không có gì nguy hiểm. Trường hợp này cũng rất ít khi xảy ra. Bên cạnh đó, hệ thống xả thải của máy bay là đường ống dài chứ không phải hút trực tiếp xuống dưới nên lực hút nó không mạnh đến mức gây nguy hiểm được cho bất cứ ai.
“Đường ống dẫn chất thải bồn cầu trên máy bay rất nhỏ, nhỏ hơn rất nhiều so với bồn cầu ở mỗi gia đình. Vì vậy, lực hút không mạnh như mọi người nghĩ. Ngoài ra, hệ thống cửa xả đóng lại rất nhanh, chỉ vài giây thôi nên rất an toàn”, lãnh đạo VAECO giải thích thêm.
Tuy nhiên, để tránh sự cố xảy ra, bạn cần đứng dậy sau khi đi vệ sinh rồi mới bấm nút. Nếu vẫn lo lắng về việc sử dụng nhà vệ sinh trên máy bay, bạn nên ghé nhà vệ sinh ở sân bay trước khi khởi hành.
Theo Minh Hoa/Người đưa tin