Rắn hổ mang trong suy nghĩ của nhiều người là loài rắn có khả năng bành mang ra nhưng nếu đi sâu tìm hiểu thì có tới khoảng 32 loài hổ mang thực sự (chi Naja), ở Việt Nam nước ta cũng có rất nhiều loài rắn hổ mang khác nhau.
Vậy đó là những loài rắn hổ mang nào? Hãy cùng tìm hiểu tất cả các loài rắn sinh sống trong phạm vi lãnh thổ nước ta qua bài viết dưới đây:
1. Rắn hổ mang đất (Tên khoa học: Naja kaouthia)
Hổ mang đất có 1 vòng tròn trắng phía sau cổ khi bành ra. Ảnh: Pinterest.
Hổ mang đất có các tên gọi khác nhau như rắn bành đen, rắn phì đen, rắn hổ mun, rắn hổ mang mắt đơn, rắn hổ sáp, rắn ba khoang (do mặt cổ bụng có 3 khoang đen hoặc nâu)... Chúng có màu đen đặc trưng và một vòng tròn trắng ở phía sau cổ khi bành mang ra.
Phạm vi sống của loài rắn này là trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, con non mới nở chỉ dài 200 - 350mm và đã có khả năng bành cổ, ngoài ra hổ mang đất cũng có khả năng phun nọc độc nên rất nguy hiểm.
2. Rắn hổ mang bành (Tên khoa học là Naja atra)
Rắn hổ mang Trung Quốc có 1 vòng tròn trắng ở giữa với hai vạch trắng như hai gọng kính tràn ra hai bên mang. Ảnh: Pinterest.
Hổ mang bành còn có tên là hổ mang Trung Quốc, hổ mang Đài Loan, hổ mang hoa, bành hoa, bành trắng, phì trắng... Loài rắn này có màu đen khá giống hổ mang đất nhưng hoa văn phía sau cổ lại rất khác biệt.
Cụ thể chúng cũng có một vòng tròn trắng ở giữa nhưng có thêm 2 vạch tràn sang hai bên mang như 2 gọng kính (một mắt kính, 2 gọng kính). Loài rắn này cũng có khả năng phun nọc và độc tố tác động lên hệ thần kinh của nạn nhân.
3. Rắn hổ mèo (Tên khoa học là Naja siamensis)
Rắn hổ mèo. Ảnh: Spiderum.
Hổ mèo cũng có nhiều tên gọi khác nhau như rắn hổ mang phun nọc, rắn hổ mang Xiêm, rắn hổ chuối, rắn hổ mang phun nọc Đông Dương,... Chúng có màu nâu xám hoặc vàng xanh nhạt và bành mang về phía trước thay vì sang hai bên như các loài rắn hổ mang khác.
Phạm vi sống của loài rắn hổ mang này là ở phía Nam Việt Nam, loài rắn này vô cùng hung dữ và thường phát ra tiếng kêu đe dọa kẻ thù khi gặp nguy hiểm, chúng cũng có khả năng phun nọc rất xa và chính xác.
Nọc độc của loài rắn này thuộc dạng nọc độc tế bào tác động lên toàn bộ cơ thể (nhưng không gây nhiễm độc lên hệ thần kinh), nguy hiểm hơn chúng ta chưa có huyết thanh kháng nọc đặc hiệu cho nọc độc của rắn hổ mèo.
4. Rắn hổ mang chúa (Tên khoa học là Ophiophagus hannah)
Rắn hổ mang có vạch chữ V phía sau cổ. Ảnh: Flickr
Mặc dù cũng có tên là hổ mang và có khả năng bành mang nhưng rắn hổ mang chúa lại không phải là loài rắn thuộc chi hổ mang thực sự mà thuộc chi Ophiophagus. Đây là loài rắn cũng sinh sống ở khắp Việt Nam và là loài rắn cực kỳ nguy hiểm.
Rắn hổ mang chúa là loài rắn độc có thân dài nhất thế giới (chiều dài trung bình từ 3,18 - 4 mét và có thể dài gần 6m). Dấu hiệu phân biệt rắn hổ mang chúa với các loài rắn hổ mang thực sự khác chính là vạch chữ V ở phía sau cổ.