Quay trở lại năm 2010 và một vài năm sau đó, bạn sẽ nhận thấy điện thoại thông minh không quá đắt. Nhưng đó cũng là thời điểm lần đầu tiên giá các mẫu điện thoại cao cấp vượt mốc 1000 USD. Xu hướng tăng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Do đó, có một sự thật là điện thoại cao cấp đang ngày càng trở nên đắt đỏ, nhưng nguyên nhân sâu sa ở đây là gì? Các nhà sản xuất smarphone cao cấp chỉ đợn giản là tính phí quá cao hay còn có nguyên nhân nào khác? Dưới đây là 7 lý do chính khiến những chiếc điện thoại cao cấp luôn có giá “trên trời”:
1. Điện thoại cao cấp ngày càng có nhiều tính năng phong phú và mạnh mẽ hơn
Càng ngày điện thoại thông minh càng có thêm nhiều tính năng mạnh mẽ. Tại phân khúc thị trường cao cấp, kỳ vọng của người dùng cũng cực kỳ cao. Các nhà sản xuất phải theo kịp bằng cách đưa vào ngày càng nhiều tính năng mới để đảm bảo hài lòng người dùng. Điểm nổi bật nhất của những chiếc điện thoại cao cấp nằm ở các tính năng.
Các tính năng này bao gồm màn hình lớn hơn và tốt hơn với những công nghệ hiển thị mới; có nhiều camera hơn, bộ nhớ lớn hơn và dung lượng lưu trữ nhiều hơn. Tất cả đều có giá của chúng. Các công ty chỉ có thể theo kịp bằng cách đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển. Cuối cùng, họ sẽ bù đắp khoản đầu tư này bằng cách chuyển nó cho người tiêu dùng.
2. Lạm phát
Mặc dù chất lượng cao đi kèm với mức giá đắt đỏ nhưng lạm phát cũng là một lý do. Lạm phát ảnh hưởng đến mọi sản phẩm trong các ngành công nghiệp, vì vậy điện thoại thông minh không phải là sản phẩm duy nhất chịu ảnh hưởng.
Trong bối cảnh lạm phát, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua cùng một lượng hàng hóa mà bạn đã có thể mua một hoặc hai năm trước. Do đó, các công ty điện thoại thông minh cần đảm bảo rằng lạm phát được quan tâm tốt để bảo vệ hoạt động kinh doanh của họ khỏi thua lỗ.
3. Chi phí của các thành phần điện thoại thông minh đang tăng lên
Chi phí của các bộ phận trong điện thoại thông minh, được gọi là hóa đơn vật liệu (BOM), cũng đang tăng từng ngày. Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, các thành phần của iPhone 12 có giá gần 415 USD, cao hơn 21% so với sản phẩm tiền nhiệm của nó, iPhone 11.
Việc Apple chuyển sang màn hình OLED dẫn đến chi phí tăng 23 USD và khả năng hỗ trợ 5G cũng khiến giá thành của nó tăng thêm 34 USD.
Theo báo cáo, ngay cả giá linh kiện do Apple tự thiết kế cũng tăng lên và chiếm hơn 16,7% tổng chi phí.
Tuy nhiên, đây là xu hướng chung của toàn ngành, không chỉ của riêng Apple, đặc biệt là trong phân khúc thị trường cao cấp, nơi mà công ty phải đưa vào điện thoại các tính năng mới để bắt kịp với sự kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như cạnh tranh với nhau.
Khi các bộ phận trở nên đắt đỏ, các công ty không thể chịu được những chi phí này. Ai đó sẽ phải đứng ra “đứng mũi chịu sào”, và người đó chính là chúng ta - những người tiêu dùng.
4. Tăng chi phí sản xuất
Ngoài việc BOM tăng, quá trình sản xuất điện thoại cao cấp cũng trở nên đắt đỏ. Thiết kế sang chảnh, lạ mắt cùng những tính năng mới khiến các mẫu điện thoại cao cấp luôn có giá “trên trời”.
Có thể dễ dàng nhận thấy, tại phân khúc điện thoại thông minh cao cấp, các thiết kế luôn thay đổi liên tục. Viền ngày càng mỏng hơn, nhiều tính năng được bổ sung,… tất cả dẫn đến giá tăng. Lý do khiến smartphone giá rẻ ngày càng có chất lượng tốt hơn là do nhà sản xuất không đầu tư quá nhiều sự đổi mới ở phân khúc thấp này. Họ có thể trợ giá bằng cách đơn giản là là sử dụng lại các thiết kế cũ và quy trình sản xuất được tinh chỉnh theo thời gian, do đó, cắt giảm được chi phí.
Một ví dụ điển hình là Apple và dòng iPhone SE của hãng. Một trong những nguyên nhân khiến iPhone SE có giá rẻ là do Apple sử dụng lại thiết kế cũ của iPhone 8 và chỉ thay thế vi xử lý cùng một vài thành phần quan trọng khác.
5. Tăng chi phí liên quan đến quá trình phân phối và bán hàng
Ngoài chi phí sản xuất lớn, quá trình phân phối và bán smartphone cũng tốn kém không ít. Quay trở lại với ví dụ về iPhone, nếu BOM của iPhone 11 có giá 415 USD, Apple sẽ phải chi thêm chi phí sản xuất và thuế, cộng với các chi phí liên quan đến bán hàng như vận chuyển, quảng cáo và chi phí vận hành.
Các khoản chi phí trên sau khi chuyển đến các đại lý bán lẻ và đến tay người tiêu dùng sẽ có giá khoảng 699 USD. Các nhà sản xuất sẽ phải tăng giá, để đảm bảo rằng tất cả các chi phí này được hạch toán tốt và họ cũng có thể tạo ra lợi nhuận.
6. Thời gian “lên đời” điện thoại lâu hơn
Doanh số bán điện thoại thông minh đang giảm và một trong những yếu tố chính là chúng ta đang dùng thiết bị của mình lâu hơn trước. Theo Strategy Analytics, một công ty nghiên cứu nổi tiếng, chu kỳ thay mới điện thoại thông minh đã có xu hướng tăng kể từ năm 2014. Vào năm 2020, người dùng giữ điện thoại của họ ở mức cao kỷ lục là ba năm rưỡi.
Khi người tiêu dùng “lười” mua điện thoại mới hơn, doanh số bán hàng giảm, các công ty tăng giá để tồn tại và duy trì lợi nhuận. Mặc dù doanh số bán điện thoại thông minh đang có xu hướng giảm kể từ năm 2019, nhưng theo Statista, doanh thu nhìn chung vẫn ổn định.
Xu hướng này có thể được giải thích bởi một điều - giá điện thoại tăng. Không có gì ngạc nhiên khi doanh thu từ điện thoại thông minh toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 448 tỉ USD vào năm 2021, theo báo cáo của Counterpoint Research vào tháng 2/2022 tiết lộ, trong đó, Apple chiếm 44% với 196 tỉ USD.
7. Điện thoại cao cấp tượng trưng cho món đồ xa xỉ
Nếu bạn cần một chiếc smartphone, có rất nhiều lựa chọn trên mạng và cũng không thiếu những chiếc điện thoại giá rẻ. Bạn chi bao nhiêu cho một chiếc smartphone tùy thuộc vào nhu cầu của bạn.
Nhưng khi mua một chiếc điện thoại cao cấp, ngoài các tính năng mới hấp dẫn, bạn cũng đang chi trả cho sự sang chảnh, đẳng cấp. Bên cạnh đó, các chiến thuật tiếp thị cho điện thoại thông minh cao cấp cho thấy chúng không còn được coi là những chiếc điện thoại đơn thuần, đây là những món đồ xa xỉ để sở hữu.
Theo Thanh Ngọc/Công lý và Xã Hội