Suối địa nhiệt Dallol: Kỳ quan độc đáo có một không hai trên Trái đất

Google News

Nhà thám hiểm người Anh Wilfred Thesiger đã mô tả nơi này là 'vùng đất chết', nhưng đối với các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu về sự sống trên sao Hỏa và các hành tinh khác, khu vực này có thể nói là vô giá.

Suoi dia nhiet Dallol: Ky quan doc dao co mot khong hai tren Trai dat

Du khách có thể gặp phải nhiều mối đe doạ khi cố tiếp cận khu vực này

Khu vực xung quanh núi lửa Dallol ở Ethiopia là một địa điểm không giống bất cứ nơi trên Trái đất. Ở đây, khí clo và lưu huỳnh độc hại tràn ngập không khí, trong khi những "cây nấm" khổng lồ được tạo nên từ muối sắt bao phủ toàn bộ cảnh quan. Các mạch nước ngầm sủi bọt và trào lên trên mặt đất, tạo ra những con suối mà bạn sẽ không bao giờ muốn tắm trong đó.

Núi lửa Dallol nằm trong lòng chảo Danakil ở vùng Afar, phía bắc Ethiopia. Đây được xem là nơi nóng nhất trên Trái đất với nhiệt độ mùa đông luôn ở mức 34 độ C và nhiệt độ mùa hè có thể lên đến 50 độ C. Chưa hết, Dallol cũng là một trong những nơi thấp nhất trên Trái đất, với phần lớn nằm ở độ sâu hàng trăm mét dưới mực nước biển.

Suoi dia nhiet Dallol: Ky quan doc dao co mot khong hai tren Trai dat-Hinh-2

Các hồ nước chứa đầy axit bên trong khu vực núi lửa Dallol

Bản thân ngọn núi lửa này được hình thành vào năm 1926 do sự xâm nhập của magma bazan vào các mỏ muối Miocene và hoạt động thủy nhiệt. Các đồng bằng sa mạc sắt, lưu huỳnh và muối tạo thành các một cánh đồng nhiều màu sắc sặc sỡ như xanh lá cây, vàng, cam và nâu.

Vùng lòng chảo Danakil này là một ví dụ điển hình về sao Hỏa trên Trái đất, với sự kết hợp độc đáo của những hiện tượng tự nhiên cực đoan được gói gọn trong một hệ sinh thái thống nhất. Barbara Cavalazzi, nhà địa chất thuộc Đại học Bologna (Ý), đã đến thăm khu vực này vào năm 2015 và cho biết: "So với các hệ thống thủy nhiệt lớn khác, hệ thống này hoàn toàn khác biệt và độc đáo. Nếu bất kỳ loài sinh vật nào có thể tồn tại trong môi trường này, chúng sẽ được xếp vào loại sinh vật polyextremophile (tức là những sinh vật có thể tồn tại trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt)".

Kennda Lynch, nhà sinh vật học vũ trụ tại Viện Mặt trăng và Hành tinh ở Houston (thuộc tiểu bang Texas, Mỹ), từng nói trong lần đầu đến thăm Dallol vào năm 2019: "Từ lần đầu tiên được nhìn thấy và tiếp cận với nó, tôi đã nghĩ rằng sao Hỏa chắc hẳn sẽ trông như thế này".

Suoi dia nhiet Dallol: Ky quan doc dao co mot khong hai tren Trai dat-Hinh-3

Đây là địa điểm nghiên cứu giá trị đối với các ngành địa chất, sinh học 

Tuy điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt, nhưng Dallol cũng có một ưu điểm lớn, đó là rất giàu kali, một thành phần chính để tạo nên phân bón. Trên thực tế, kali không phải là một chất đặc biệt hiếm, nhưng điều khiến Dallol trở nên độc đáo là các mỏ muối chạm đến bề mặt Trái đất, giúp việc tiếp cận và khai thác trở nên dễ dàng hơn.

Khi phát hiện này được công bố vào năm 1906, một công ty của Ý là Compagnia Mineraria Coloniale (CMC) đã thành lập hoạt động khai thác đầu tiên. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, giá muối giảm sút mạnh khiến các nhà khai thác không thể duy trì hoạt động. Đến Chiến tranh thế giới thứ hai, khi hệ thống đường sắt gần như bị dỡ bỏ, ánh đèn của những cơ sở sản xuất về cơ bản đã tắt ở Dallol.

Mặc dù vậy, khu vực này không hoàn toàn bị bỏ hoang vì nhiều người Afar vẫn thực hiện chuyến đi hàng đêm đến Dallol để lấy muối. Người Afar sẽ cắt lớp vỏ cô đọng bên trên thành từng miếng vuông để vận chuyển trở lại Mek'ele - trung tâm thành phố gần nhất. Sau đó, một đoàn lạc đà sẽ vận chuyển các miếng này hơn 60 dặm (khoảng 96 km) đến nơi chế biến để làm thành muối.

Suoi dia nhiet Dallol: Ky quan doc dao co mot khong hai tren Trai dat-Hinh-4

Đoàn lạc đà vận chuyển muối

Dù xuất phát từ hướng nào, con đường để đến với Dallol vẫn vô cùng dài và gian nan. Việc không có tuyến đường cố định kết hợp với cảnh quan khô nóng của sa mạc khiến việc đi lại trở nên khó khăn, có thể mất cả ngày để di chuyển bằng lạc đà từ khu dân cư gần nhất. Không khó để hiểu tại sao người dân địa phương thường gọi nơi này là "Cổng địa ngục".

Suốt quãng đường đi dài là ánh sáng Mặt trời chói mắt, những ngọn núi dần nhường chỗ cho cánh đồng rộng lớn dường như vô tận ở mọi hướng. Khi đi đủ xa, bạn sẽ bắt gặp một gò đất lớn màu nâu nhô lên, đó là phần chân núi lửa sụp đổ đang nhòe đi trong cái nóng khủng khiếp.

Khi bước vào khu vực này, ngoài những bể chứa đầy axit và những vòi phun lưu huỳnh, còn có một mối đe dọa khác gọi là "gió lửa", tức là những cơn bão cát lớn. Chưa hết, một mối nguy hiểm khác chính là người Afar, bộ lạc du mục nổi tiếng với sự hung dữ. Có lẽ chính vì nguyên nhân này mà chính phủ Ethiopia yêu cầu tất cả các du khách khi đến đây đều phải thuê vệ sĩ có vũ trang.

Theo Sông Thương/Phụ nữ Việt Nam