Róc thịt nấu ăn, lấy mai rùa làm nôi ngủ
Năm 2016, ông Lê Xuân Ái thôi chức Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo. Khăn gói về Quảng Nam - vùng đất được ví von “chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say”, ông nhận lời mời làm cố vấn kỹ thuật cho Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Tại đây, “vua rùa” Côn Đảo “bắt tay” với ông Nguyễn Văn Vũ (lúc bấy giờ đang giữ chức vụ Trưởng phòng Nghiên cứu & Hợp tác, Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm).
Ngay lập tức, cả hai thực hiện cuộc tìm hiểu về lịch sử rùa biển ở hòn đảo Cù Lao Chàm. Đó là sự kết hợp giữa một bậc đàn anh dạn dày kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và một cán bộ trẻ “máu” nghiên cứu về loài rùa biển.
Mời quý vị xem video: Bảo vệ rùa biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Ông Ái nhớ như in, ngày đầu đặt chân ra đảo Cù Lao Chàm, ông có cảm giác bao ký ức kinh hoàng thuở nào ở Côn Đảo lại ùa về.
“20 năm trước, 9 bãi biển trên đảo Cù Lao Chàm là những thiên đường của rùa biển. Người dân sát hại vô tội vạ. Đó là những thông tin đầu tiên tôi được nghe cư dân bản địa chia sẻ. Nó chẳng khác nào cái giai đoạn tôi chứng kiến rùa biển ở Côn Đảo bị khai thác ồ ạt”, “vua rùa” Côn Đảo kể.
Những cuộc tàn sát rùa biển mà chỉ mới nghe thôi, một cán bộ trẻ như Nguyễn Văn Vũ cũng quặn thắt lòng. Ngoài khi thác tôm cá, từ ngày này qua tháng nọ, người dân xã đảo chọn đánh bắt rùa như một kế sinh nhai. Suốt cả thập kỷ, thịt rùa hiện diện như một lẽ thường tình trong đời sống của cư dân đảo.
“Bà con dùng dao róc thịt rùa rồi chế biến thành món ăn. Trẻ con lùng sục khắp các bãi để tìm trứng mang về luộc. Đặc biệt, mai rùa còn được người dân đang tâm tách ra, trở thành cái nôi ru con nít”, anh Vũ cho hay. Tất tần tật những vụ tàn sát rùa biển trở thành nỗi ám ảnh ăn sâu vào trong tiềm thức của cư dân Cù Lao Chàm.
Nhớ về khoảng thời gian cả xã đảo đua nhau truy sát rùa biển, ông Phạm B. (59 tuổi, thôn Bãi Ông) không khỏi xót xa. Ánh mắt thấm đượm nỗi buồn, ngư dân có thâm niên gần 40 năm bám đảo mưu sinh và có quãng thời gian 10 năm đánh bắt rùa biển bộc bạch: “Cũng vì kém hiểu biết mà bà con giết hại rùa biển quý giá. Chúng tôi cứ nghĩ rùa biển là vô tận nên cứ tha hồ đánh bắt. Nào ngờ, vài năm trở lại đây, rùa không còn xuất hiện nhiều trên đảo nữa”.
Rùa khiếp sợ Cù Lao Chàm
3 năm nay, được sự vận động của các cán bộ Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đặc biệt là “cặp bài trùng” Lê Xuân Ái và Nguyễn Văn Vũ, không một tàu thuyền nào ở xã đảo Tân Hiệp đang tâm đánh bắt rùa biển.
Thoát khỏi mối nguy hại xuất phát từ con người, những chú rùa quanh quẩn trên biển nước Cù Lao Chàm lại mang trong mình nỗi bất an khác. Thời gian qua, những con tàu hành nghề bủa lưới (loại lưới 3 lớp) vô tình trở thành “kẻ thù” của rùa biển.
Theo thống kê của Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từ năm 2016 đến năm 2018, trung bình một năm có khoảng 10 chú rùa bị mắc lưới và chết. Trong khu nhà trưng bày của Ban Quản lý Bảo tồn biển hiện đang lưu giữ xác 12 con rùa biển không may mắc phải lưới ngư dân.
Bên ngoài chiếc tủ kính bao bọc mỗi chú rùa ghi rõ ngày giờ sa lưới và cụ thể họ tên ngư dân giao nộp đơn vị chuyên trách. “Thường những chú rùa mắc lưới là do mải mê đớp mồi. Càng vùng vẫy, toàn thân chú rùa càng bị dính chặt bởi 3 lớp lưới và ngạt thở”, anh Vũ cho hay.
Và khi không còn nếm trải cảnh bị ngư dân truy bắt, không mắc phải những lớp lưới giăng kín, rùa mẹ khi tìm về đảo Cù Lao Chàm lại đối mặt với tình cảnh thiếu chỗ sinh sản. Hầu hết các bãi biển ở hòn đảo này đang phục vụ phát triển du lịch với bầu không khí ồn ào – điều tối kỵ khiến rùa không tài nào dám bò lên bờ để đẻ trứng.
“Vào mùa sinh sản, rùa mẹ cần một nơi yên tĩnh với bãi cát nhô cao so với bề mặt con sóng để đẻ trứng. Tuy nhiên, ở xã đảo hiện nay đang thiếu môi trường tối ưu cho rùa sinh sản.
Mới năm 2017, một chú rùa mẹ đẻ tổng cộng 32 trứng ngay dưới mực nước sâu khoảng 10m ở Hòn Dài. Tất nhiên, đó là điều đi ngược với quy luật sinh sản của rùa. Chứng kiến cảnh này, chúng tôi thực sự rất đỗi đau lòng”, anh Vũ ngậm ngùi chia sẻ.
Theo Thanh Ba/VTC News