Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm trên thị trường rất cao, kéo theo một lượng lớn phụ phẩm lông thải trong qúa trình giết mổ gia cầm, việc chôn lấp, thải bỏ có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ thực trạng trên, TS Tạ Ngọc Ly, bộ môn Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cùng các cộng sự, đã nghiên cứu thành công quy trình “sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ lông gia cầm thải” đạt hiệu quả thiết thực.
|
Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm, kéo theo lượng lớn phụ phẩm chất thải ô nhiễm môi trường cần xử lý |
Chia sẻ tại sự kiện “Kết nối ý tưởng” mới đây, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tổ chức, TS Tạ Ngọc Ly cho biết, quá trình nghiên cứu cho thấy đặc điểm lông gia cầm có hàm lượng nitơ rất cao (chiếm hơn 90%), hầu hết thành phần của nitơ này có cấu trúc từ các polymer sinh học rất khó phân huỷ.
Ngoài ra, quá trình giết mổ gia cầm còn thải ra các chất phân mang theo các vi khuẩn, vi sinh vật. Do đó, nếu chỉ ủ lông gia cầm thông thường sẽ sinh ra giòi bọ, nước rỉ, mùi hôi thối… Đồng thời, do khó phân huỷ nên thời ủ kéo dài, yêu cầu diện tích ủ lớn.
|
Lông gia cầm thải và phụ phẩm phối trộn chế phẩm vi sinh để xử lý thành phân bón |
Nhóm đã thực hiện thu gom lông gia cầm, đem phối trộn với các nguồn sinh khối có thể là rơm rạ, xơ dừa, bã mía…Dùng chế phẩm vi sinh gồm các chủng nóng Streptomyces, các vi khuẩn Bacillus và Lactobacilus (các chủng này được chứng minh chứa hoạt tính enzym có khả năng phân huỷ mạnh lông gia cầm như enzym Keratinase, Cellulase, Protease) trộn đều, sau đó đưa hỗn hợp lông gia cầm cùng với nguồn sinh khối vào trong thiết bị ủ có nhiệt độ 65 – 70 độ C, độ ẩm 55-60% pH=6-8, trong thời gian khoảng14 ngày.
Kết quả cho thấy, lông gà phân huỷ nhanh hơn bã mía hoặc xơ dừa, thành phẩm có màu nâu đen, hơi dính dẻo, nếu muốn định hình dạng viên chậm tan, phục vụ cho cây trồng thuỷ sinh thì rất thuận lợi. Hoàn toàn không có mùi hôi phát tán ra không khí.
TS Tạ Ngọc Ly cho biết, hỗn hợp vi sinh vật này khi đưa vào ủ có khả năng phân huỷ lông gà rất nhanh, rút ngắn thời gian ủ, hạn chế tối đa mùi hôi, chịu được nhiệt độ cao, tiêu diệt được vi sinh vật gây hại. Đặc biệt, chủng này có khả năng sinh ra IAA (chất kích thích sinh trưởng thực vật), thành phần này giúp tăng chiều dài rễ, phát triển chồi rất mạnh trong những loại cây thử nghiệm. Loại phân bón này đã được thử nghiệm trên nhiều loại rau ăn lá, và cây ăn quả cho kết quả tốt, hiệu quả kích thích tăng trưởng rõ rệt.
|
Thành phẩm phân bón từ lông gia cầm thải sau khi xử lý |
Theo TS Tạ Ngọc Ly, các doanh nghiệp giết mổ gia cầm cần xử lý phế thải lông gia cẩm có thể ủ theo phương pháp ủ đống kín không phối trộn, ủ đống hở hoặc ủ đống lớn 25-30 tấn lông gia cầm/lần ủ. Sử dụng công nghệ ủ phân Biovessel (công nghệ vi sinh vật hữu hiệu có đảo trộn thông khí) hỗn hợp hoạt hoá vi sinh vật, hoạt lực phân hủy nhanh. Ngoài ra, lông gia cầm thải còn được sản xuất thành bột lông vũ sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sản phẩm tái chế từ ống hút nhựa:
Quỳnh Hương