Theo Sci-News, từ lâu, các nhà khoa học đã suy đoán về khả năng tồn tại sự sống trên Sao Kim, không phải trên bề mặt nóng bỏng của nó mà trong ở các lớp mây có cao độ khoảng 48-60 km, nơi nhiệt độ tương đương với nhiệt độ bề mặt Trái Đất.
Nhưng có một cản trở lớn: Biển mây này chứa axit sunfuric đậm đặc.
|
Sao Kim - Ảnh: NASA |
Axit sunfuric là một hợp chất "tử thần", có độ ăn mòn cực kỳ mạnh, phá hủy các cấu trúc sinh học một cách tàn khốc.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Janusz Petkowski và GS Sara Seager từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) đã tìm ra 19 axit amin "bất tử".
Thử nghiệm trong môi trường mô phỏng biển mây Sao Kim, 19 axit amin này vẫn giữa được tình trạng ổn định, không bị phản ứng hay biến đổi về mặt hóa học.
Đối với Trái Đất, axit amin chính là các "khối xây dựng sự sống". Do vậy, tìm ra các loại axit amin có thể tồn tại bất chấp sự hiện diện của axit đậm đặc cho thấy sự sống vẫn có khả năng lách qua "khe cửa hẹp" để tồn tại ở hành tinh láng giềng của chúng ta.
Phát hiện mới này cũng chứng minh axit sunfuric không phải là dung môi hoàn toàn thù địch với hóa học hữu cơ, mở đường cho khả năng sự sống tồn tại ở cả các môi trường cực đoan khác.
Với Sao Kim, phát hiện mới như dỡ bỏ một trong những rào cản cuối cùng cho khả năng sự sống sinh tồn.
Trước đó, các nhà khoa học MIT khác từng phát hiện dấu hiệu của phosphine, một trong các dấu hiệu sinh học được thừa nhận trong khoa học hành tinh.
Hơn hết, có một điều cơ bản hơn đã được khoa học thừa nhận: Trong vùng sự sống Goldilocks của hệ Mặt Trời không chỉ có Trái Đất, mà còn có Sao Kim và Sao Hỏa. Trong đó Sao Kim được cho là anh em song sinh của Trái Đất khi ra đời.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrobiology.
Theo Người lao động