- Sự đột phá trong các chính sách về khoa học, niềm vui khi có thêm nhà toán học nhận giải thưởng quốc tế, 5 giây để phát đi thông báo sóng thần... đã tạo nên một bức tranh đa diện của khoa học - công nghệ năm 2011.
[links()]
Giải cứu rùa Hồ Gươm
Trước tình trạng rùa Hồ Gươm bị các vết thương lở loét trên cơ thể, ngày 1/3/2011, Sở KH&CN Hà Nội đã chính thức thành lập Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm. Sau một cuộc vây bắt quy mô nhưng thất bại, việc bắt rùa lên chữa trị được tổ chức chặt chẽ hơn và đã thành công. Cụ rùa sau một thời gian dưỡng thương đã bình phục, được thả về môi trường nước hồ tự nhiên.
Việc xét nghiệm ADN để xác định loài, giống... cũng chưa thể đi đến kết luận cuối cùng. Việc tìm thêm một cá thể khác cùng loài, cùng họ để tiến hành sinh sản, bảo tồn loài, cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để làm các công việc này với hy vọng bảo tồn được loài rùa Hồ Gươm quý hiếm.
Chỉ cần 5 giây để phát đi thông báo sóng thần
Sau 5 giây kể từ khi Viện Vật lý Địa Cầu thông báo, hệ thống cảnh báo sóng thần do đơn vị này thiết kế đã phát đi cảnh báo đầu tiên. Đây là kết quả thu được sau đợt diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 18/10. Tại đây, thông tin mà hệ thống cảnh báo của Viettel lắp đặt được được phát đi trên các loa công cộng công suất lớn đặt trên các đài trực canh, đài truyền thanh.
Ngoài ra, nó còn được nhắn tin đến máy điện thoại di động của các lãnh đạo địa phương và nhân dân, du khách đang có mặt trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. So với các hệ thống tương tự trên thế giới, hệ thống của Việt Nam khi thiết kế ban đầu đã dựa trên ý tưởng sử dụng lại hạ tầng mạng truyền thanh của địa phương để phát cảnh báo vì đây là phương tiện thông tin quen thuộc của người dân, hạ tầng rộng khắp. Ngoài ra, phần mềm và phần cứng của hệ thống cảnh báo sóng thần được thiết kế trong nước nên có thể tiết kiệm chi phí và chủ động hoàn toàn về mặt tính năng kỹ thuật.
Phần mềm diệt virus Made in Vietnam vào top 3 thế giới
Theo kết quả kiểm định mới nhất từ Phòng thí nghiệm Virus Bulletin (Anh), phần mềm diệt virus Bkav của Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Phần mềm Bkav của Việt Nam đạt điểm RAP 98.1/100, đứng thứ 3 trong tổng số 43 phần mềm trên toàn cầu tham gia kiểm định, vượt qua các tên tuổi như: Kaspersky (94.3 điểm), AVG (94.4 điểm), Avira (93.7 điểm)... Trước đó, vào kỳ kiểm định cuối năm 2010, Bkav đã lần đầu tiên lọt vào Top 10 sau những nỗ lực đưa sản phẩm ra quốc tế kiểm định chất lượng.
GS Hoàng Tụy nhận giải thưởng Toán học quốc tế
GS Hoàng Tuỵ, cha đẻ của lý thuyết Tối ưu toàn cục, đã chính thức được nhận giải thưởng mang tên nhà toán học Hy Lạp lừng danh Constantin Caratheodory (1873 - 1950) vào ngày 22/9/2011. Giải thưởng do tổ chức quốc tế Tối ưu toàn cục trao tặng hai năm một lần, dành cho cá nhân hay tập thể xuất sắc có cống hiến căn bản cho lý thuyết, lập trình và ứng dụng trong lĩnh vực tối ưu toàn cục đã trải qua sự thử thách của thời gian.
GS Hoàng Tuỵ là người đầu tiên được trao giải thưởng này bởi công trình khoa học đã làm nên tên tuổi ông từ nhiều thập niên trước (năm 1964) - phương pháp giải nhiều bài toán tối ưu toàn cục được giới toán học quốc tế gọi là "lát cắt Tuỵ" (Tuy’s cut). Đây được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: "Lý thuyết tối ưu toàn cục".
Năm 1997, tại Viện Công nghệ Limkoping (Thuỵ Điển), một cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục" đã tôn vinh GS Hoàng Tuỵ là "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát" nhân dịp ông tròn 70 tuổi.
Cú huých cho phát triển công nghệ vũ trụ
Tháng 9/2011, Trung tâm Vệ tinh Việt Nam đã được thành lập. Đây sẽ là nơi tiếp nhận, quản lý và thực hiện dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Dự án này đang được xây dựng trên diện tích 9ha tại Khu công nghệ Hòa Lạc (Hà Nội) với tổng kinh phí hơn 600 triệu USD sẽ hoàn thành vào năm 2018. Trung tâm khi đi vào hoạt động sẽ là nơi nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ, phục vụ cho các nhu cầu trong nước như: dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh - truyền hình, tìm kiếm cứu nạn... trong nước.
Cùng với đó, ngày 5/12, việc ký kết hợp tác giữa Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan hàng không không gian Hoa Kỳ (NASA) sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ của NASA để sử dụng trong nghiên cứu, phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.
Dự án khoa học có kinh phí lớn nhất 50 năm qua
Đó là dự án "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng" với tổng kinh phí đầu tư 145,756 tỷ đồng, trong đó 124,825 tỷ đồng từ ngân sách Bộ KH&CN và 20,931 tỷ đồng được đầu tư từ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS).
Đây là dự án có kinh phí lớn nhất trong 50 năm qua do Bộ KH&CN đầu tư. Dự án được thực hiện trong 4 năm nhằm thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit công suất thấp có tính cạnh tranh cao (dựa trên chip VN 1632) và các lõi IP có liên quan, từ đó tiếp tục thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng chip RFID.
Các sản phẩm khi hoàn thành có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: dùng trong quản lý giao thông, quản lý kho hàng, an ninh quốc phòng, xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm...
Tăng 20 bậc chỉ số đổi mới công nghệ toàn cầu
Ngày 30/6, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) phối hợp với Tổ chức INSEAD (The Business School for the World) tổ chức Lễ công bố Chỉ số Đổi mới Công nghệ Toàn cầu (Global Innovation Index - GII) của năm 2011. Theo báo cáo GII này, Việt Nam xếp ở vị trí 51, tăng 20 bậc so với năm ngoái (năm 2010 Việt Nam xếp thứ 71).
Báo cáo GII năm 2011 đã xếp hạng 125 nước và nền kinh tế dựa trên năng lực và kết quả đổi mới về công nghệ. Thụy Sỹ chiếm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng (tăng 3 bậc so với năm ngoái). Với kết quả xếp hạng thứ 51/125, như vậy Việt Nam đã là ở mức trên trung bình của thế giới về chỉ số đổi mới công nghệ.
Lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia 1.000 tỷ đồng
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KH&CN đã chính thức được thành lập theo Quyết định 1342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/8.
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Vốn điều lệ của quỹ là 1.000 tỷ đồng do Ngân sách Nhà nước về hoạt động KH&CN cấp.
Đồ chơi công nghệ cao Việt lập kỷ lục Guinness
Với thời gian quay liên tục trong 24 giờ 35 phút và 15 giây, đồ chơi con quay TOSY đã trở thành sản phẩm đồ chơi công nghệ của Việt Nam đầu tiên được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận danh hiệu "Con quay tự quay lâu nhất thế giới". Con quay TOSY có khởi nguồn từ trò chơi con quay dân gian của Việt Nam. Nó có thể phát sáng rực rỡ khi quay nhờ hệ thống đèn led bên trong.
Người chơi có thể sử dụng chiếc cần điều khiển với nam châm cực mạnh để đấu quay với đối thủ. Đồ chơi thông minh này chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 8/2011. Hiện sản phẩm này đã xuất khẩu sang Italya, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Brazil, Isarel...
Nhóm PV TSKH (thực hiện)