Nói Hà Nội còn “nguy cơ” ngập lụt là không chính xác
Ngày 12/9, lũ sông Hồng (TP Hà Nội) bắt đầu rút chậm. Cụ thể, vào lúc 3h và 4h, nước sông Hồng tại Hà Nội là 11,30 m, dưới báo động ba 20 cm. Thời điểm này, nước sông Hồng bắt đầu chững (không lên, không xuống).
Đến 5h, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đo được là 11,26m. Đến 6h, nước sông Hồng tiếp tục giảm 2cm, xuống mức 11,24 m. Lúc 7h và 8h là 11,22 m. Lúc 9h là 11,20m. Lúc 10h là 11,16 m, dưới báo động ba 34 cm. Vào lúc 13h, mức lũ sông Hồng là 11,02 m, dưới báo động ba 0,47 m. Đến 15h còn 10,94 m.
|
Khu vực dưới chân cầu Long Biên bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Thiện Anh. |
Theo thang bảng lũ, lũ sông Hồng báo động một là 9,5 m, báo động hai là 10,5 m và báo động ba là 11,5 m.
Theo số liệu trên thì thấy, lũ sông Hồng dù rút chậm, nhưng đây là một tín hiệu vui trong bối cảnh nhiều khu vực ven sông Hồng bị ngập sâu trong 2 ngày vừa rồi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng, lan truyền thông tin về “nguy cơ” ngập lụt.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống chiều 12/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, khi mực nước sông Hồng lên cao, các vùng thấp ngoài đê bị ngập.
Từ sáng nay, 12/9, mực nước sông Hồng bắt đầu xuống, nước rút thì mức ngập ở các vùng này cũng giảm. Tuy nhiên, do nước rút chậm, cho nên mức ngập này giảm chậm, không thể nhanh.
Còn trong nội đô thì không thể ngập được. Trừ trường hợp mưa giông với cường suất lớn, 60-70mm trong vòng từ 30-40 phút hoặc 1 giờ thì mới có nguy cơ ngập. Khi đó, dùng từ “nguy cơ” ngập mới chuẩn xác.
"Còn hiện tại, Hà Nội không còn nguy cơ ngập lụt nữa, bởi nội đô thì không thể ngập, còn các vùng thấp ngoài đê sông Hồng cũng đã bị ngập rồi, và mức ngập cũng đang giảm dần, tiến đến là hết ngập”, ông Khiêm nói.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho hay, cùng với mực rút của lũ sông Hồng, trong khoảng 2-3 ngày tới, những vùng thấp ngoài đê sẽ hết ngập. Riêng khu vực ven sông Bùi, sông Tích, quá trình này có thể lâu hơn, khoảng 1 tuần.
Cũng nói rõ thêm thông tin này, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, tình trạng ngập lụt chỉ xảy ra ở khu vực ngoài đê. Ví dụ như tại khu vực Hoàn Kiếm các khu vực như Phúc Tân, Phúc Xá, Bạch Đằng chứ không thể nào ngập được vào trong nội đô.
Hiện đơn vị có đưa ra bản tin cảnh báo ngập úng trong khu vực Hà Nội khi có mưa lớn. Mỗi đợt mưa lớn thì ở khu vực nội thành, các đường phố thường xảy ra ngập. Tuy nhiên, việc lan truyền thông tin lũ trên sông Hồng gây ngập nội thành là không chuẩn xác.
Thêm 2 tỉnh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Từ 7h đến 13h hôm nay 12/9, diễn biến lũ ở nhiều tỉnh thành đã có những biến chuyển. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ trên sông Cầu (Bắc Ninh) đang dao động ở mức đỉnh 7,73 m, trên báo động ba là 1,43 m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 là 0,11 m.
Lũ trên sông Thương (Bắc Giang) đang dao động ở mức đỉnh lũ 7,21 m, trên báo động ba 0,91 m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1986 là 0,32 m.
Lũ trên sông Thái Bình (TP Hải Dương) và sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên chậm.
Do mưa giảm, nhiều nơi trời hửng nắng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã thu hẹp phạm vi cảnh báo lũ quét trong bản tin vào lúc 15h xuống 10 tỉnh, giảm 6 tỉnh so với sáng cùng ngày. Tuy nhiên, trong bản tin lúc 16h42, đã bổ sung thêm hai tỉnh có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất là Quảng Ngãi và Bình Định.
Cảnh báo, trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng, Thái Bình lên mức báo động ba và trên báo động ba. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Mời quý độc giả xem video: Cần trồng lại cây bị bão quật ở Hà Nội nhiều nhất có thể. Nguồn: Kiến Thức.
Mai Loan