Các cụm thiên hà là những vật thể lớn nhất trong vũ trụ được giữ bởi trọng lực. Chúng chứa hàng trăm hoặc hàng ngàn thiên hà, cùng một lượng lớn khí nóng tới nhiều triệu độ C phát sáng trong môi trường tia X và các hồ chứa vật chất tối khổng lồ không nhìn thấy được.
|
Nguồn ảnh: Inverse
|
Hệ thống mới được gọi là Abell 2384 cho thấy một cấu trúc khổng lồ có thể xảy ra khi hai cụm thiên hà va chạm. Cây cầu khí quá nóng ở Abell 2384 được hiển thị trong hình ảnh tổng hợp các dòng tia X này chụp từ Đài quan sát tia X Chandra của NASA và XMM-Newton (màu xanh) của ESA, cũng như Kính viễn vọng vô tuyến Metrewave ở Ấn Độ (màu đỏ).
Chế độ xem đa bước sóng mới này cho thấy hiệu ứng của một dòng phản lực bắn ra từ một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm của một thiên hà ở một trong các cụm. Dòng phản lực mạnh đến nỗi nó uốn cong hình dạng của cây cầu khí, kéo dài hơn 3 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6 nghìn tỷ Mặt trời.
Các nhà thiên văn học coi các vật thể như Abell 2384 rất quan trọng để hiểu được sự phát triển của các cụm thiên hà.
Dựa trên các mô phỏng trên máy tính, người ta đã chứng minh rằng sau một vụ va chạm giữa hai cụm thiên hà, chúng dao động như một con lắc và đi qua nhau vài lần trước khi hợp nhất để tạo thành một cụm lớn hơn.
Dựa trên những mô phỏng này, các nhà thiên văn học nghĩ rằng hai cụm trong Abell 2384 cuối cùng sẽ hợp nhất.
Abell 2384 nằm cách Trái đất 1,2 tỷ năm ánh sáng. Dựa trên công trình trước đó, các nhà khoa học ước tính tổng khối lượng của Abell 2384 gấp 260 nghìn tỷ lần khối lượng Mặt trời. Điều này bao gồm cả vật chất tối, khí nóng và các thiên hà riêng lẻ trong nó.
Mời quý vị xem video: Ngôi sao Già Hơn Vũ trụ 200.000.000 Năm tuổi. Nguồn video: Soi sáng.
Huỳnh Dũng (theo EarthSky)