Số phận kỳ lạ của túi bụi Mặt Trăng tàu Apollo 11 mang về

Google News

Những mẫu bụi Mặt trăng do nhà du hành Neil Armstrong thu thập được hơn 50 năm trước sắp được bán đấu giá.

Một mẫu bụi Mặt Trăng được Neil Armstrong thu thập trong sứ mệnh Apollo 11 năm 1969 được đưa ra bán đấu giá tại nhà Bonhams ở New York trong tháng 4 này. Đây cũng là lần đầu tiên bụi Mặt trăng mà NASA đã xác minh được bán hợp pháp.

NASA mất độc quyền bụi Mặt Trăng

NASA từ lâu vẫn tuyên bố họ là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất của bụi Mặt Trăng. Cơ quan này đã trải qua vài thập kỷ xử lý tranh chấp với những người bằng cách nào đó có được những mẫu vật tương tự từ chương trình Apollo. NASA thường giành chiến thắng trong những cuộc chiến này. Tuy nhiên, số bụi Mặt Trăng sắp được bán tại nhà Bonhams đã nhiều lần lọt khỏi tay chính phủ và giờ thì NASA không thể thu hồi.

So phan ky la cua tui bui Mat Trang tau Apollo 11 mang ve

Phi hành gia người Mỹ, Buzz Aldrin và Neil Armstrong trên Mặt Trăng vào năm 1969. Ảnh: Universal Images Grou.

Cuộc đấu giá lịch sử này cũng như một lời nhắc nhở rằng NASA không chỉ mất quyền kiểm soát đối với bụi Mặt Trăng của mình, mà ở một mức độ nào đó, cả chính Mặt Trăng.

Trong khi cơ quan này đang nỗ lực khởi động chương trình Artemis, gồm một loạt các sứ mệnh lên Mặt Trăng, thì các quốc gia khác cũng có kế hoạch cho các nỗ lực khám phá Mặt Trăng của riêng họ. Việc thu thập các mẫu Mặt Trăng gần đây hơn có thể rất quan trọng đối với nghiên cứu khoa học, nhưng chúng sẽ không thể có ý nghĩa lịch sử giống như số bụi được thu thập ở lần đầu tiên loài người đặt chân lên Mặt Trăng.

Kể từ khi các sứ mệnh Apollo mang về những mẫu vật đầu tiên, bụi Mặt Trăng đã trở thành một món hàng quý hiếm. Từ năm 1969 đến năm 1972, NASA đã thu thập khoảng 2.200 mẫu đá, lõi, đá cuội, cát và bụi từ Mặt Trăng, phần lớn trong số đó được cơ quan này giữ lại để nghiên cứu. Tuy nhiên, thông qua một loạt các tình huống từ ngẫu nhiên đến trộm cắp trắng trợn, một số cá nhân đã có được bụi Mặt Trăng của NASA và một số thậm chí còn tìm cách bán nó.

So phan ky la cua tui bui Mat Trang tau Apollo 11 mang ve-Hinh-2

Trái đất hiện lên sau đường chân trời Mặt Trăng nhìn từ mô-đun chỉ huy của tàu Apollo 11, trước khi Neil Armstrong và Edwin Aldrin Jr. rời mô-đun "Đại bàng", trở thành những người đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: NASA.

NASA khẳng định rằng những người này sở hữu bất hợp pháp tài sản của cơ quan và trong nhiều năm, chính phủ đã triển khai những chiến dịch phức tạp, đôi khi kỳ lạ, để đoạt lại các mẫu vật Mặt Trăng.

Vào năm 2011, một cuộc điều tra đã đưa các quan chức đến một cửa hàng Denny’s ở Riverside, California, nơi họ bắt gặp một người phụ nữ 74 tuổi đang tìm cách bán một "đốm" đá Mặt Trăng mà bà cho rằng Neil Armstrong đã tặng chồng bà vào những năm 1970.

Hành trình của túi bụi Mặt Trăng

Mặc dù đã thu lại được phần lớn, có một mẫu bụi vẫn nằm ngoài tầm tay của NASA: đó chính là số bụi Mặt Trăng sắp được bán tại nhà đấu giá Bonhams.

Câu chuyện về việc cơ quan này để mất nó đã bắt đầu từ khi Armstrong lần đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng, thu thập một vài muỗng bụi và cất vào một chiếc túi. NASA chưa bao giờ thực sự có kế hoạch cụ thể cho chiếc túi này, và rất lâu sau khi Armstrong trở về Trái Đất, chiếc túi chỉ có giá 15 USD được gửi đi lưu giữ tại Bảo tàng Vũ trụ Cosmosphere ở Kansas.

Cuộc chuyển giao đó ít được để ý, ngoại trừ Giám đốc Bảo tàng Max Ary, người đã ngấm ngầm bán những hiện vật mà NASA cho Cosmosphere mượn. Cuối cùng khi Ary bị bắt và lĩnh án vào năm 2005, sau khi cảnh sát điều tra Mỹ thu giữ hàng trăm hiện vật vũ trụ bị đánh cắp, bao gồm cả chiếc túi bụi Mặt Trăng của Neil Armstrong.

Cảnh sát Tư pháp Mỹ cuối cùng đành bán bộ sưu tập của Ary trong một cuộc đấu giá trực tuyến và một người đam mê địa chất tên là Nancy Lee Carlson đã trả 995 USD cho rất nhiều món, bao gồm một túi bụi, gối tựa đầu từ mô-đun chỉ huy Apollo và chìa khóa khởi động cho tàu vũ trụ Soyuz T-14 của Liên Xô.

So phan ky la cua tui bui Mat Trang tau Apollo 11 mang ve-Hinh-3

Chiếc túi mà Neil Armstrong đựng bụi Mặt Trăng mang về Trái Đất. Ảnh: DW

Carlson nghi ngờ rằng chiếc túi bụi Mặt Trăng còn đáng giá hơn rất nhiều. Để xác nhận hiện vật bên trong nó là thật, cô gửi chiếc túi đến NASA để thử nghiệm vào năm 2015. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ không chỉ xác định rằng chiếc túi là hàng thật mà còn thuộc về chính phủ. Nhưng Carlson đã kiện thành công NASA để lấy lại chiếc túi – sau khi thẩm phán tuyên bố rằng cô mua nó một cách hợp pháp. Năm 2017, Carlson bán túi bụi với giá 1,8 triệu USD tại Sotheby’s. Nhưng chiếc túi khi đó đã được làm sạch.

Thì ra trong quá trình thử nghiệm, NASA đã sử dụng những mẩu băng carbon nhỏ để thu thập bụi Mặt Trăng từ chiếc túi, sau đó gắn những băng đó vào một loạt đĩa nhôm nhỏ và quyết định "ỉm đi". Họ chỉ trả lại Carlson vỏ túi theo yêu cầu của toà án.

Carlson lại kiện NASA một lần nữa, cáo buộc cơ quan này không chỉ làm hỏng chiếc túi trong khi thẩm định nó mà còn lấy đi bụi Mặt Trăng bên trong. NASA cuối cùng đành phải trả lại gần như toàn bộ bụi Mặt Trăng mà họ đã thử nghiệm cho Carlson. Và hiện nay, người phụ nữ này đã giao đầy đủ các đĩa phủ bụi Mặt Trăng đó cho nhà đấu giá Bohams, ước tính rằng chúng có thể mang lại từ 800.000 đến 1,2 triệu USD.

Nếu ai đó không đặt được giá thắng tại phiên đấu giá của Bonhams, thì họ vẫn có một số lựa chọn thay thế. Người đó có thể tìm cách mua bụi Mặt Trăng do chương trình vũ trụ của Liên Xô thu thập, mặc dù theo báo cáo, trên toàn thế giới chỉ có chưa đầy một pound (0,454 kg) bụi Mặt trăng và các mẫu thể được bán với giá hàng trăm nghìn USD.

Cơ quan vũ trụ của Trung Quốc cũng có một vài kilogam đá Mặt Trăng và bụi mà họ thu thập bằng một máy bay thám hiểm đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2020. Tất nhiên, những mẫu này không có khả năng sẽ sớm được bán. Thay vào đó, ta có thể dễ dàng hơn để mua một mảnh thiên thạch Mặt Trăng, đến từ một tảng đá Mặt Trăng đã rơi xuống Trái Đất vào một thời điểm nào đó trong lịch sử.

Lúc nào cũng có "bụi Mặt Trăng" được bán rộng rãi trên Internet, nhưng gần như chắc chắn đều là hàng giả.

So phan ky la cua tui bui Mat Trang tau Apollo 11 mang ve-Hinh-4

Vết giày của phi hành gia tàu Apollo khi đổ bộ Mặt Trăng năm 1969. Ảnh: NASA

Ngày nay, một cuộc chạy đua quốc tế mới quay trở lại Mặt Trăng đang diễn ra, nhưng không chỉ để chiêm ngưỡng nó, mà còn để thu thập đá và các mẫu bụi. Một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã tung các xe tự hành trên bề mặt Mặt Trăng và thậm chí nhiều quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên từ Mặt Trăng. Nguồn tài nguyên này bao gồm các kim loại hiếm có thể được sử dụng để chế tạo tàu vũ trụ hoặc thiết bị điện tử, cũng như heli-3, một đồng vị hiếm được sử dụng trong phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Mỹ cũng có thể tham gia vào “cơn sốt vàng” Mặt Trăng này. NASA đã tuyển một số công ty để giúp họ khai quật lòng đất Mặt Trăng. Nhìn chung, theo một số ước tính, nguồn tài nguyên này có thể giá trị hàng nghìn tỷ USD và khiến các sứ mệnh lên Mặt Trăng trở nên hấp dẫn hơn.

Theo Thu Hằng/ Báo Tin Tức