Mạng xã hội Facebook đang xôn xao trước thông tin một bài viết mang tính chất cổ súy và tán thưởng hành động sinh con thuận tự nhiên tại nhà và không vắc-xin.
Bài viết có đoạn "… M đang ước từ nay tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên của chúng mình khi chưa xuất hiện bv (bệnh viện) để những đứa trẻ không phải ra đời trong vòng tay của người xa lạ. Chị chúc mừng vợ chồng em và chào mừng cậu bé an lành (cả mẹ và con không một giọt sữa công thức, không một mũi vx (vắc-xin)…"
Bài viết đi kèm nhiều hình ảnh, trong đó có cảnh một phụ nữ ngồi trong bồn gỗ có nước màu đỏ tay bế trẻ sơ sinh, cạnh đó có 2 phụ nữ trợ giúp, tay không đeo găng. Một bức ảnh khác chụp thai phụ đang nằm cạnh em bé, nhau thai được đặt bên cạnh.
Đây không phải lần đầu tiên “sinh con thuận tự nhiên” gây “nóng” dư luận. Năm 2018, phương pháp sinh con tự nhiên cũng đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng khi có nhiều bài viết cổ súy cách sinh này. Trong khi đó, nhiều bác sĩ ngành Y đã lên tiếng phản đối kịch liệt, cho rằng phương pháp này đang đưa các bà mẹ trở lại “thời mông muội”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Câu “gái chửa cửa mả” cho thấy nguy cơ khi sinh con tại nhà
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Vũ Bá Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, phương pháp sinh con thuận tự nhiên rất nguy hiểm, có thể dẫn tới cái chết của cả mẹ và con.
Xưa nay vẫn có câu “gái chửa, cửa mả”, việc đẻ ở nhà, không có nhân viên y tế chăm sóc giống như thời kỳ hàng trăm năm về trước, khi chưa có bệnh viện và các cơ sở y tế vậy.
|
PGS.TS Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. |
“Ngay cả đối với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh tốt như thế, hoặc ngay cả những trung tâm y tế uy tín ở các nước tiên tiến mà vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định xảy ra, dẫn tới chết cả mẹ lẫn con nữa là đẻ ở nhà, không có nhân viên y tế”- ông Quyết nói.
Chỉ ra những nguy cơ khi đẻ ở nhà, BS Vũ Bá Quyết cho hay, đối với trẻ, trong trường hợp người mẹ chuyển dạ kéo dài, kiệt sức, trẻ ra đời dễ bị ngạt, thậm chí tử vong. Trẻ bị ngạt khi sinh sau này dễ viêm phổi, kém phát triển trí tuệ. Trong khi đó, nếu sinh ở cơ sở sở y tế, nếu trẻ bị ngạt, không khóc thì có hỗ trợ thở oxy, được hút nhớt, ủ ấm, được nhân viên y tế chăm sóc.
Ngoài ra, khi sinh ở nhà, nếu trẻ được cắt rốn bằng các dụng cụ không được tiệt khuẩn còn có khả năng nhiễm khuẩn uốn ván, viêm gan...
Đối với người mẹ, khi sinh “thuận theo tự nhiên” ở nhà, tầng sinh môn không được được chủ động cắt, nới rộng, không khâu sẽ là vị trí chảy máu, mất máu, nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự hồi phục của sản phụ. Ngoài ra, tầng sinh môn rách sâu, rách phức tạp có thể gây các biến hứng đứt cơ thắt hậu môn, rò âm đạo trực tràng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Khi tử cung không co (đờ tử cung) hoặc sót nhau, nhiễm khuẩn, sốt, mà không được điều trị kịp thời và đầy đủ sẽ dẫn tới nhiễm trùng máu thậm chí dẫn tới tử vong. Hoặc những bà mẹ có bệnh tật sẵn đặc biệt là những cấp cứu, tai biến sản khoa như tiền sản giật, thuyên tắc ối... thì ở viện nguy cơ tử vong cũng cao chứ chưa nói ở nhà.
Về ý kiến cho rằng, vẫn có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh mà không cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế cũng như tới bệnh viện, ông Quyết cho hay, ở một số vùng nông thôn, miền núi vẫn còn lạc hậu, khi sinh vào rừng đẻ… tỉ lệ tử vong rất nhiều. Trong khi những nơi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn ví dụ như TP Hà Nội hay TPHCM, mỗi ngày hàng nghìn trẻ ra đời hầu như không còn tai biến.
“Còn việc “vẫn có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh bằng việc đẻ tự nhiên”, điều đó là có, nhưng cái câu “gái chửa cửa mả”, về bản chất đã cho thấy sự rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ của phương pháp này” - ông Quyết nhấn mạnh.
Cần sinh con ở cơ sở y tế để giảm thiểu nguy cơ
Cùng với việc cổ súy đẻ tự nhiên tại nhà là những hướng dẫn về việc không cắt dây rốn của bé sau sinh mà để rụng tự nhiên. Với nhau thai cũng vậy, thậm chí là còn khuyến khích sản phụ ăn nhau thai bởi có nhiều lợi ích như chống lại nguy cơ nhiễm trùng, bệnh vàng da hay các bệnh về đường hô hấp, miễn dịch ở em bé do được gắn liền với nhau thai (có chứa máu của người mẹ), tăng cường sức khỏe người mẹ.
Về thông tin trên, BS Vũ Bá Quyết cho biết, với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta, đồ tươi sống ta mua về không để tủ lạnh dễ bị ôi thiu, thối hỏng. Bánh nhau chứa nhiều máu và các tế bào thì rất dễ bị hoại tử, gây nhiễm khuẩn cho trẻ.
“Còn giữ lại dây rốn không cắt, thì chỉ cung cấp thêm cho trẻ vài mililit máu, thêm lượng hồng cầu chứ không có tế bào gốc hay chất gì cả. Trong khi lại rất nguy hiểm vì dễ nhiễm trùng”, ông Quyết nói.
BS Quyết cho hay, nếu nói về bản chất của việc “thuận tự nhiên” thì các y bác sĩ cũng vẫn tôn trọng tự nhiên. Đó là tôn trọng sinh lý chuyển dạ, “hoa đến giờ mới nở” và tôn trọng mẹ đẻ thường. Áp dụng phương pháp cho da kề da, bú sữa mẹ, cắt rốn chậm… đó chính là tôn trọng tự nhiên.
Tuy nhiên, cần phải hiểu “thuận tự nhiên” cho đúng. Theo đó, khi sinh nở, sản phụ vẫn cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế, đảm bảo các điều kiện an toàn cho cuộc đẻ. Để trong những tình huống cần thiết, vẫn phải có sự can thiệp. Ví dụ như những bà mẹ sinh ngôi đầu, khung chậu hẹp, cạn ối; hoặc mẹ có bệnh lý... thì phải sinh mổ để giảm thiểu tai biến.
Quan niệm không tiêm văcxin, không tiêm phòng, không dùng thuốc, dùng sữa mẹ chữa bách bệnh là “thuận tự nhiên” cũng hoàn toàn sai lầm. Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để mua văcxin về cho chương trình tiêm chủng mở rộng và đạt được kết quả tốt. Ví dụ, nhờ việc đi khám thai tiêm phòng uốn ván nên trẻ sinh ra không còn bị uốn ván, nếu mẹ đang bị sốt nhiễm trùng thì không gây nhiễm trùng hậu sản… Hoặc việc dùng kháng sinh, có nhiều bé viêm phổi, viêm ruột từ trong tử cung, nếu sinh ra không được điều trị kháng sinh có thể dẫn bội nhiễm, nguy hiểm tính mạng.
“Y tế hiện đại góp phần giảm tử vong cho cả bà mẹ và trẻ em cho nên tôi khuyến cáo các bà mẹ không nên nghe những tuyên truyền không khoa học và nên đến các trung tâm y tế có sự trợ giúp của đội ngũ y tế” - PGS.TS Vũ Bá Quyết nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. BS Vũ Bá Quyết . phong trào sinh “thuận tự nhiên” xuất phát từ thập kỷ 70 ở Úc, Anh, nhưng giới y học phản đối. Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo là phải đẻ ở cơ sở y tế không nên đẻ ở nhà. Bộ Y tế cũng có khuyến cáo này. Đối với vùng sâu, vùng xa có sáng kiến “Cô đỡ thôn bản” được đánh giá cao.
Để đảm bảo đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, các cặp đôi cần có tư vấn tiền hôn nhân, khi có thai thì khám thai định kỳ và sàng lọc trước sinh, tiêm phòng đầy đủ. Tháng cuối cần có tư vấn xem đẻ thường được không hay cần có can thiệp. Không nên nghe, chạy theo những tuyên truyền không có cơ sở khoa học mà phải nghe những tuyên truyền, hướng dẫn của cơ sở y tế.
Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo: Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với cả sản phụ và trẻ sơ sinh khu thực hiện phương pháp sinh đẻ này. Theo đó, Bộ Y tế đã đưa ra nhận định, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé, đe dọa đến các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong khi sinh.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc “sinh con tại nhà” là phản khoa học có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn.... thậm chí gây tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh nếu không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân cố tình cổ vũ, quảng bá phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân theo quy định của pháp luật.
BS Ngô Đức Hùng, Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Theo một báo cáo tại Johannesburg, Nam Phi tháng 9/2023. Trong số 600 nghìn ca tử vong liên quan đến thai sản trên thế giới, châu Phi chiếm đến một nửa. Trong khi châu lục này chiếm 12% dân số thế giới, và chỉ chiếm 17% số ca sinh hàng năm. Đến 40% số chết này do biến chứng lúc sinh, sau sinh và nhiễm khuẩn huyết. Tất cả đều do thiếu công tác chăm sóc và cấp cứu sản khoa phù hợp khiến phụ nữ mang thai phải tự xoay sở.
Điều này khác gì phong trào đẻ thuận tự nhiên hiện nay? Phó mặc cho số phận? Tỉ lệ tai biến sản khoa giảm đi, là do chăm sóc và kỹ thuật y tế phát triển. Trước đây, gia đình nào cũng có người chết non, đến nỗi đi xem bói thầy bà phán nhà này có bà cô/ông mãnh ám là i rằng đúng. Chả thế mà có câu "chửa cửa mả".
Đẻ thuận tự nhiên không đem lại lợi ích gì ngoài việc tự đẩy mình vào trò chơi may rủi, đã biết bao nhiêu vụ chết cả mẹ cả con xảy ra. Vậy nên, việc tuyên truyền đẻ thuận tự nhiên sẽ đẩy người khác vào rủi do tử vong cần được ngăn chặn.
BS Hùng hy vọng cơ quan chức năng vào cuộc để tránh cho người thiếu hiểu biết bị ngộ nhận.
Mai Loan