Theo Science Alert, phát hiện đến từ một hóa thạch nguyên vẹn hiếm có được khai quật từ các lớp đá vôi mịn trong một khu mỏ ở Đức.
Dựa trên phân tích lớp đá vôi bao bọc hóa thạch, nó đã 150 triệu năm và trở thành mẫu vật lâu đời nhất của chi Pterodaustro, một chi dực long (pterosaur) phát triển mạnh chủ yếu trong kỷ Phấn Trắng (từ 145-66 triệu năm trước).
Cơ thể hóa thạch của con dực long kỳ lạ - Ảnh: Paläontologische Zeitschrift
Thông thường hóa thạch dực long - còn được gọi là thằn lằn bay, thằn lằn có cánh - rất hiếm trong hồ sơ cổ sinh vật học bởi xương của chúng mỏng và dễ vỡ hơn các loài khủng long mặt đất.
Tuy nhiên, con Pterodaustro này lại vô tình bị một quá trình địa chất nào đó khiến đá vôi bao bọc ngay lập tức sau khi chết, nên thậm chí còn giữ được cả lớp màng cánh mỏng manh.
Nó là một loài mới, được nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học David Martill từ Trường Đại học Portsmouth (Anh) đặt tên là Balaenognathus maeuseri, với cụm "maeuseri" nhằm vinh danh người cộng sự vừa qua đời Matthias Mäuser.
Bộ hàm với 480 chiếc răng được bảo quản nguyên vẹn - Ảnh: Paläontologische Zeitschrift
Điểm đáng kinh ngạc nhất là bộ hàm của con quái vật biết bay này. Thành viên của dòng dõi "vua bầu trời" kỷ phấn trắng sở hữu tới 480 chiếc răng trong chiếc mỏ kỳ dị.
Bộ răng dày đặc "như lược bắt chấy" mà các nhà khoa học mô tả này còn có ngạnh ở đầu mỗi răng, một cấu trúc chưa từng được xác định ở dực long.
Theo tiến sĩ Martill, những chiếc móc này giúp chúng bắt hiệu quả những con tôm nhỏ, đồng thời đảm bảo chúng sẽ đi xuống cổ họng thay vì kẹt giữa kẽ răng.
Như vậy, khác với một số "vua bầu trời" họ hàng, loài này lại ăn lọc giống như cá voi tấm sừng hàm ngày nay.
Chân dung được tái tạo của thành viên mới thuộc dòng dõi "vua bầu trời" dực long - Ảnh: Megan Jacobs/SCI-NEWS
Phát hiện mới được cho là cung cấp thêm mảnh ghép thú vị về bức tranh của dực long, một kiểu khủng long biết bay và thống trị bầu trời từ cuối kỷ Tam Điệp, đi qua toàn bộ hai kỷ Jura và Phấn Trắng sau đó.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Paläontologische Zeitschrift.
Theo Thu Anh/Người lao động