Nhiều người có thói quen cho người khác mượn tai nghe, hoặc ngược lại là đi mượn tai nghe của người khác. Tuy nhiên, đây là thói quen cần phải thay đổi nhanh chóng vì nó có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ của bạn.
|
Khi dùng chung tai nghe, bạn có thể làm gia tăng hệ vi khuẩn trong tai, đồng thời mang những vi khuẩn mới đến tai của mình
|
Theo một nghiên cứu do BuzzFeed thực hiện đã khẳng định, bạn không nên chia sẻ hoặc mượn tai nghe người khác bởi nó góp phần phát tán các vi khuẩn có thể có hại.
“Khi dùng chung tai nghe, bạn có thể làm gia tăng hệ vi khuẩn trong tai, đồng thời mang những vi khuẩn mới đến tai của mình”, chuyên gia vi khuẩn Kelly Reynolds đến từ Đại học Arizona chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này cho biết, hệ vi khuẩn trong tai người có thể bao gồm pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh) và staphylococcus (tụ cầu khuẩn). Rất nhiều người có thể mang trên mình những loại vi khuẩn này mà không gặp phải vấn đề gì. Tuy nhiên nếu số lượng vi khuẩn tăng cao và vượt ngưỡng của cơ thể hoặc một loại vi khuẩn mới nào đó được chuyển đến tai bạn, nó có thể khiến tai bạn bị nhiễm trùng.
|
Việc trao đổi tai nghe cũng có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ bị ve, nấm ký sinh
|
Chưa kể, việc trao đổi (mượn, chia sẻ) tai nghe cũng có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ bị “ve” ký sinh. Sinh vật thường xuất hiện ở các loài vật nuôi như chó, mèo…, nhưng cũng không ngoài khả năng lây sang con người. Chúng có thể khiến vật chủ bị ngứa, khó chịu, viêm tai…, hoặc dẫn đến mất thính lực nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Kể cả khi trong nhà bạn không có vật nuôi, thì bạn cũng có nguy cơ bị ve kí sinh nếu sử dụng chung tai nghe với những người có vật nuôi trong nhà.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nấm tai nếu sử dụng chung tai nghe với người khác. Tại Việt Nam, khí hậu ẩm thấp là một trong những cơ hội cho các loại nấm gây bệnh phát triển, trong đó có nấm tai.
Ngoài những triệu chứng như ngứa tai, ướt ở trong tai thì nấm tai còn tạo màng vảy trong ống tai. Những màng vảy này là do lớp biểu bì ống tai ngoài bong tróc ra kết hợp với vi nấm mà tạo thành. Nếu mảng vảy đó làm bít tắc ống tai ngoài hoặc bám vào màng nhĩ thì sẽ gây nên triệu chứng giảm thính lực và ù tai.
Theo Duy Huỳnh/Saostar