Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nổi tiếng bởi sự phổ biến của các mạng WiFi miễn phí. Từ những quán cà phê, sân bay, bệnh viện cho đến phố đi bộ, người dùng di động tại Việt Nam đều có thể tiếp cận với Internet miễn phí một cách dễ dàng.
Mới đây, trang web Electronics Hub có trụ sở tại Ấn Độ thậm chí còn đánh giá sân bay Nội Bài của Việt Nam đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng sân bay có dịch vụ WiFi tốt nhất thế giới, vượt qua sân bay Changi (Singapore) và sân bay Seoul (Hàn Quốc).
Lý do đằng sau sự phổ biến của WiFi miễn phí tại Việt Nam là mong muốn nâng cao trải nghiệm của khách hàng và thu hút du khách. Điều này cũng góp phần làm nên danh tiếng, khiến Việt Nam được coi như một “thiên đường” của WiFi miễn phí.
Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi, cũng có ý kiến đưa ra cảnh báo về những mặt trái của WiFi miễn phí. Điều này đặt trong bối cảnh những lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin bởi nơi có các mạng WiFi miễn phí đều là các điểm công cộng.
Theo ông Ngô Tuấn Anh - CEO Công ty An ninh mạng SCS (SafeGate), việc truy cập mạng Internet tại Việt Nam khá dễ dàng, thuận tiện. Nhưng điều này cũng dẫn tới tâm lý dễ dãi, không phòng bị của người dùng khi sử dụng các mạng WiFi miễn phí.
Cùng với sự thuận tiện và lợi ích, người dùng có thể phải đối mặt với một số vấn đề như bị giới hạn tốc độ, dung lượng, phải xem quảng cáo và những rủi ro về việc bị theo dõi.
Phân tích cụ thể, chuyên gia Ngô Tuấn Anh cho hay, do luôn có một lượng lớn người truy cập, các mạng WiFi miễn phí có thể giới hạn về tốc độ truy cập và dung lượng, hoặc bị nghẽn đường truyền. Điều này vô hình trung gây ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm sử dụng Internet của người dùng.
Một số điểm truy cập WiFi miễn phí còn yêu cầu người dùng đăng nhập qua mạng xã hội, hoặc buộc phải cung cấp thông tin cá nhân để truy cập. Những thông tin này sau đó sẽ được sử dụng cho mục đích quảng cáo hoặc theo dõi hành vi trực tuyến của người dùng.
Ngoài ra, người dùng WiFi miễn phí cũng phải đối mặt với vấn đề về an ninh bảo mật. Hacker có thể dễ dàng giả mạo điểm truy cập hoặc sử dụng các kỹ thuật để đánh cắp thông tin cá nhân, tài chính hoặc dữ liệu nhạy cảm từ người dùng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật mà người dùng không thể lường trước.
|
WiFi miễn phí kèm theo quảng cáo tại một trung tâm thương mại. Ảnh: Awing |
Có góc nhìn tương tự, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo cho biết, mạng WiFi miễn phí giúp mọi người luôn kết nối với Internet, từ đó thuận tiện trong giao tiếp, trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Việc truy cập miễn phí cũng mang đến khả năng tiếp cận Internet cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
“Nhờ tiếp cận Internet mọi lúc mọi nơi mà không phải lo lắng về việc mua SIM data, Việt Nam cũng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Điều này sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo người sáng lập dự án Chống lừa đảo, các mạng WiFi công cộng không an toàn như mạng WiFi cá nhân. Kẻ xấu có thể dễ dàng giả mạo điểm truy cập WiFi, dẫn dụ vào trang web hoặc ứng dụng độc hại để đánh cắp thông tin cá nhân như mật khẩu, thông tin tài khoản ngân hàng và dữ liệu cá nhân khác.
Trước những lo ngại về vấn đề bảo mật của các mạng WiFi miễn phí, chuyên gia Ngô Tuấn Anh khuyến nghị, người dùng nên hạn chế sử dụng các mạng WiFi công cộng để truy cập các trang web, ứng dụng có chứa các thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, email cá nhân, thông tin thẻ tín dụng…
Khi kết nối hay sử dụng mạng, người dùng nên thận trọng. Quan trọng hơn, cần luôn luôn có ý thức về an ninh, an toàn mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm.
Người dùng cũng được khuyến nghị luôn sử dụng chế độ bảo mật 2 bước cho các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng. Đối với các kết nối quan trọng, như liên kết về mạng nội bộ của công ty, người dùng Internet cần sử dụng các kênh kết nối an toàn như mạng riêng ảo (VPN). Đây là cách để mỗi người dùng Internet Việt Nam có thể đảm bảo sự an toàn khi sống giữa “thiên đường” WiFi miễn phí.
Theo Trọng Đạt/Vietnamnet