Gần đây, một số địa phương xuất hiện hiện tượng rắn lục đuôi đỏ bò vào khu vực dân cư sinh sống, thậm chí bò cả vào trong nhà khiến không ít người dân hoang mang. Theo các chuyên gia, cần phải có những nghiên cứu sâu rộng để tránh những hệ lụy xấu đe dọa tới sự an toàn của người dân, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học của loài này.
Tại sao bùng phát rắn lục đuôi đỏ?
PGS.TS Phạm Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, rắn lục đuôi đỏ (trimeresurus albolabris) thuộc họ rắn lục (viperidae) là loài rắn lục đẻ con, khi đẻ xong rắn mẹ sẽ chết. Khi mang bầu rắn mẹ có độc lực cực cao. Loài rắn này sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam, Cần Thơ cũng có nhưng không nhiều. Rắn lục đuôi đỏ có chiều dài thân khoảng 60 – 100cm. Thức ăn của chúng là chuột, chim, thằn lằn và ếch. Chúng thường cư ngụ vào ban đêm trên mặt đất và nghỉ ngơi trên cây vào ban ngày.
Trong vài năm trở lại đây, rắn lục đuôi đỏ bùng phát ở nhiều tỉnh, thành như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, TPHCM, Bình Dương... Nhiều người đã bị rắn cắn, trong đó có nhiều trường hợp rắn chui cả vào nhà, chui vào giường ngủ cắn người. Trong 100 ca bị rắn lục cắn được nghiên cứu trong 2013 tại Bệnh viện Quân khu 9, có 63 trường hợp là do rắn lục đuôi đỏ.
Lý giải nguyên nhân của sự bùng phát này, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe đưa ra một số phân tích. Theo người dân địa phương, người dân không bắt rắn này ăn như các loại khác, cộng thêm việc trước đây rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên họ bắt, nuôi để bán, sau đó không có tác dụng nên thả ra, từ đó sinh sôi nảy nở nhiều. Ngoài ra, sự biến động môi trường nơi cư trú khiến loài rắn này phải thay đổi tập tính cư trú và sinh hoạt cũng là một hướng cần tìm hiểu.
“Ví dụ, việc khai hoang những vùng cây bụi tự nhiên để xây dựng đã làm mất nơi cư trú truyền thống của loài rắn lục đuôi đỏ. Cũng có thể do sự ấm lên của thời tiết khiến cho loài rắn có khả năng đẻ con trở nên ưu thế và bùng phát”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe phân tích, “Các cơ quan quản lý đa dạng sinh học cần làm rõ nguyên nhân biến động ổ sinh thái và tập tính của loài rắn lục đuôi đỏ để bảo vệ tính mạng cho người dân cũng như để bảo vệ loài rắn này một cách an toàn”.
Bình tĩnh xử lý
Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Động vật học Việt Nam, rắn lục đuôi đỏ không phải là rắn nước mà chủ yếu sống ở trong rừng. Có thể thời gian qua, do chặt phá rừng, thời tiết thay đổi khiến môi trường sống của loài này bị thay đổi, nên chúng theo bản năng đi tìm môi trường sống phù hợp hơn. Chúng bò vào nhà dân là để tìm chỗ ẩn nấp hoặc tìm kiếm thức ăn. Chúng chui vào trong gầm giường là bởi rắn là loài ưa bóng tối, thích sống trong những nơi mát mẻ.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết thêm, người dân không nên quá hoang mang bởi sự xuất hiện của chúng là tìm môi trường sống hoặc tìm kiếm thức ăn chứ không gắn với bất kỳ yếu tố tâm linh cũng như không phải vào nhà để tấn công con người. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan. Để phòng tránh rắn bò vào nhà, người dân nên phát quang bờ bụi, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để rắn không có chỗ chui vào hoặc tìm thấy thức ăn.
Ngoài ra, khi thấy có rắn, nhiều người thường có phản xạ là đuổi, bắt, giết. Quan điểm này là rất sai lầm. Rắn không tự dưng tấn công người, chúng chỉ tấn công khi bị đe dọa, tấn công để tự vệ. Vì thế, khi thấy rắn, người dân chỉ cần dùng que, gậy để xua đuổi chúng. Việc này vừa tránh cho việc rắn sẽ tấn công lại, đồng thời cũng là bảo vệ đa dạng sinh học của loài rắn này.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh khuyến cáo: Rắn lục đuôi đỏ không cực độc như nhiều người tưởng bởi nếu cực độc thì rất dễ gây tử vong khi bị rắn cắn. Tuy nhiên, trong trường hợp bị rắn cắn người dân không được phép chủ quan, cần sơ cứu rồi nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị nếu cần thiết.
Đức Anh