Trong những quan sát gần đây về Betelgeuse - ngôi sao "quái vật"siêu đỏ nằm trong chòm sao Lạp Hộ - cho thấy nó quay nhanh một cách vô lý. Nhưng một nghiên cứu mới từ Viện Vật lý thiên văn Max Planck (MPA - Đức) cho thấy có thể chúng ta đã gặp ảo ảnh. Bề mặt của vật thể gây chú ý cho giới thiên văn suốt hơn 2.000 năm qua có thể đang sôi sục, các phân tích mới cho thấy.
|
Quái vật Betelgeuse có thể đang sôi sục và méo mó trong giai đoạn cuối đời - Ảnh: MPA
|
Theo Live Science, các mô phỏng từ nhiều bức ảnh chụp Betelgeuse cho thấy dấu hiệu của sự đối lưu chi phối bề mặt. Vì vậy, bề mặt của nó có thể như nước sôi đang sủi bọt.
Với khoảng cách xa tận 500-600 năm ánh sáng, sự sôi sục này đã tạo ra ảo ảnh khiến các nhà thiên văn lầm tưởng là nó đang quay, quanh nhanh đến vô lý so với điều mà các vật thể cỡ lớn như vậy có thể làm.
Các nhà thiên văn chưa giải thích được tận gốc sự sôi sục bề mặt này, nhưng đó có thể là một trong những dấu hiệu của cuộc hấp hối.
Với đường kính hơn 1 tỉ km, Betelgeuse lớn hơn Mặt Trời của chúng ta hơn 1.000 lần và là một trong những ngôi sao lớn nhất được biết đến.
Nó cũng gây chú ý vì thường xuyên thoắt ẩn, thoắt hiện trên bầu trời. Chưa kể, các quan sát từ thời cổ đại cho đến nay cho thấy con quái vật này đã thay đổi màu sắc.
Theo tư liệu từ nhà bác học Tư Mã Thiên (Trung Quốc) cách đây 2.100 năm, Sâm Tú Tứ - cách người Trung Quốc cổ đại gọi Betelgeuse - vào thời điểm đó có màu vàng rực chứ không đỏ như ngôi sao nổi tiếng khác là Tâm Tú Nhị (Antares) trong chòm Thiên Yết.
100 năm sau đó, học giả người La Mã Hyginus mô tả Betelgeuse có màu vàng cam như Sao Thổ.
Đến thế kỷ XVI, nhà thiên văn học Đan Mạch Tycho Brahe mô tả Betelgeuse thời kỳ đó đã đỏ hơn Antares. Và đến nay, nó là một ngôi sao siêu đỏ.
Sự biến màu này cho thấy Betelgeuse đang đi dần vào giai đoạn cuối của "sao khổng lồ đỏ", là trạng thái của các ngôi sao đang hấp hối sau khi bị mất năng lượng.
Betelgeuse có thể nổ tung bất cứ lúc nào với ánh sáng đủ sức làm sáng rực bầu trời đêm Trái Đất, trước khi co cụm lại thành một vật thể nhỏ hơn, có thể là sao neutron, bởi nó là một ngôi sao khổng lồ.
Betelgeuse từng nhiều lần khiến giới thiên văn giật mình vì chợt tối đi, khiến mọi người nghĩ nó sắp nổ. Tuy nhiên, đến giờ nó vẫn tồn tại, rất đỏ. Sự tối đi có thể chỉ là ảo ảnh tạo ra bởi một vật thể nào đó hay khí bụi do chính ngôi sao phun trào ra.
Cộng với ảo ảnh từ bề mặt có thể đang sôi sục, Betelgeuse hứa hẹn tiếp tục gây hứng thú và bối rối lâu dài cho giới thiên văn.
Theo Anh Thư/Người lao động