Theo Business Insider, Vittoria Casa, một chính trị gia người Italy, vừa đệ trình dự luật nhằm hạn chế "mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tình trạng nghiện sử dụng điện thoại ở thanh thiếu niên".
Trao đổi với tờ The Times, Vittoria Casa cho rằng thói quen sử dụng các thiết bị như điện thoại ở thanh thiếu niên ngày càng trở nên tệ hại. Đồng thời, bà nhấn mạnh nó cần phải bị đối xử như một cơn nghiện.
"Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các nghiên cứu cho rằng việc mong chờ các lượt thích trên mạng xã hội sẽ kích thích chất dopamine trong não. Nó giống như khi đánh bài", Casa cho biết. Dự luật cũng chỉ ra rằng trong 10 thanh niên tại Italy, 8 người mắc phải hội chứng "nomophobia", sợ mất điện thoại và kết nối với Internet.
|
Ảnh minh họa. |
"Nhiều thanh thiếu niên có thói quen thức trắng đêm để nhìn vào màn hình điện thoại và nhắn tin. Ngày hôm sau, khuôn mặt họ trở nên mệt mỏi không khác gì ma cà rồng", Casa nhận định.
Dự luật này có thể được áp dụng tại các trường học, nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về vấn nạn "nghiện điện thoại". Thậm chí, các trường hợp cực đoan có thể sẽ phải "cải tạo" tại các trung tâm y tế.
Tuy nhiên, dự luật trên cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Andrew Przybylski, nhà tâm lý học thực nghiệm tại Viện Internet Oxford ở Anh, bày tỏ sự nghi ngờ đối với các nghiên cứu về điện thoại và Internet.
"Dự luật này là một ý tưởng khá tồi tệ. Không có bằng chứng chính xác nào cho thấy điện thoại ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của giới trẻ. Điện thoại hiện nay hỗ trợ rất nhiều tính năng và ứng dụng khác nhau. Chúng có thể tốt hoặc xấu tùy vào cách chúng ta dùng", Przybylski nhận định.
Theo Đức Hải/Zing News