Phòng tránh thảm họa tương tự Làng Nủ, chuyên gia nêu giải pháp gì?

Google News

Các chuyên gia địa kỹ thuật đã đưa ra kết quả khảo sát và nhận định ban đầu về nguyên nhân thảm họa Làng Nủ. Cùng với đó, là những dấu hiệu phát hiện sớm và phòng tránh ẩn họa tương tự.

Ngày 2/10, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) diễn ra hội thảo khoa học "Thảm họa Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp phòng tránh". Tại hội thảo, các chuyên gia địa kỹ thuật đã đưa ra kết quả khảo sát và nhận định ban đầu về nguyên nhân thảm họa Làng Nủ. Cùng với đó, là những dấu hiệu phát hiện sớm và phòng tránh ẩn họa tương tự Làng Nủ ở các khu vực miền núi Việt Nam.
Lượng mưa ngày xảy ra thảm họa bằng ¼ trung bình mưa cả năm
PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, lũ bùn đá thường gồm 3 phần: Phần phát sinh trượt lở ban đầu giúp cung cấp vật liệu cho dòng chảy; Dòng chảy chính với kênh dẫn có độ dốc lớn, thường là các khe suối trong điều kiện thông thường; và vùng lắng đọng của lũ bùn đá là vùng hình quạt tại hạ lưu nơi các vật liệu của lũ xòe ra trên một diện tích rộng.
Phong tranh tham hoa tuong tu Lang Nu, chuyen gia neu giai phap gi?
 PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Trường ĐH Giao thông vận tải.
Lũ bùn đá thường xảy ra khi có mưa lớn hoặc mưa dài ngày tại nơi có địa hình dốc (chữ V) và vật liệu đất bề mặt rời rạc. Các tham số quan trọng: cấu trúc của bề mặt đất thể hiện qua các đặc trưng hình thái lưu vực như diện tích, chiều dài, chiều rộng, độ dốc, mật độ lưới sông, suối, hình dạng lưu vực.
Qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy, nguyên nhân gây ra lũ bùn đá tại Làng Nủ là do mưa quá lớn. Cụ thể, theo Trạm Việt Tiến, tổng lượng mưa tích lũy ngày 9/9 là 500 mm. Ngày 10/9, ngày xảy ra lũ bùn đá, lượng mưa là 633mm (bằng ¼ lượng mưa trung bình cả năm ở Lào Cai).
Nơi diễn ra trượt lở là đá thuộc hệ tầng núi Con Voi. Ở đó đá bị ép phiến mạnh cắm dốc 40 - 50 độ, hướng chảy cắm phía đông bắc. Các vật liệu tạo dòng chảy chủ yếu là gneiss biotit, đá phiến thạch anh biotit, thấu kính đá hoa. Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774 m, vùng ảnh hưởng dưới cùng (thôn Làng Nủ, là vùng lắng đọng bùn đá) có cao độ 160 - 200 m.
Chiều dài dòng lũ bùn đá (từ đỉnh núi Con Voi xuống thôn Làng Nủ) là 3,6 km. Diện tích ảnh hưởng của dòng lũ bùn đá là khoảng 38 ha. Chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15 m, nơi sâu nhất khoảng 18 m, vận tốc dòng chảy tối đa là 20 m/giây (rất lớn). Thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 - 15 phút.
“Như vậy, có thể thấy, nguyên nhân gây lũ bùn đá ở Làng Nủ là do lượng mưa giờ và lượng mưa tích lũy trong 3 ngày bão Yagi quá lớn gây trượt lở khối lớn, tích tụ vật liệu vào đoạn co hẹp tạo đập tạm thời và vỡ, thời điểm khoảng 6h sáng 10/9. Cùng với đó, đá phiến phong hóa mạnh, cường độ không cao và tầng phong hóa dày gây trượt lở khối lớn. Thời gian dòng lũ bùn đá tràn và mở rộng xuống vùng quạt bên dưới (phạm vi ảnh hưởng lớn nhất) nhanh”, ông Lân nói.
Lưu ý dấu hiệu trượt lở
GS.TS Đỗ Minh Đức và nhóm nghiên cứu, Bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, chúng ta khó phát hiện dấu hiệu sắp có trượt lở.
Tuy nhiên, khối trượt lớn chỉ xảy ra khi có biến dạng lớn mà dấu hiệu tiên quyết là khe nứt tách trên sườn dốc. Việc phát hiện không quá khó khăn, có thể bằng thủ công, flycam, như Thủ tướng vừa chỉ đạo. Vừa rồi, anh Trưởng thôn Ma Seo Thứ đã phát hiện kịp thời vết nứt, di dời bà con lên núi phòng tránh trượt lở, đây là dấu hiệu đơn giản có thể nhận biết.
Phong tranh tham hoa tuong tu Lang Nu, chuyen gia neu giai phap gi?-Hinh-2
GS.TS Đỗ Minh Đức. 
Một điểm nữa cần lưu ý, là khi làm việc trực tiếp với một số địa phương thì thấy một số khe nứt sẽ không dẫn ngay đến trượt lở ngay. Sau đó, khi người dân canh tác có thể lấp lại dấu vết của khe nứt. Tuy nhiên, khe nứt đã xuất hiện thì không thể liền lại, nguy cơ thì vẫn y nguyên. Khi đã xuất hiện vết nứt nghĩa là xuất hiện nguy cơ trượt lở, bắt buộc phải có giải pháp, nếu không có giải pháp công trình thì phải di chuyển người dân trong vùng ảnh hưởng tới nơi an toàn hơn.
Cảnh báo sớm và hành động sớm. Thiên tai diễn ra rất bất ngờ, có khi chỉ biết sớm vài giây có thể cứu mạng người. Trong đó, mưa là yếu tố quan trọng, bởi là yếu tố chủ yếu kích hoạt trượt lở. Các hệ thống quan trắc mưa hiện tại cần có mật độ cao hơn. Đặc biệt, làm sao phát hiện sớm mưa lớn cực đoan trong thời gian ngắn, cần phải đầu tư phát triển công cụ dự báo chính xác.
Cùng với đó cần hệ thống quan trắc chuyên sâu về ổn định mái dốc; nâng cao độ chính xác công tác dự báo qua ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo Dữ liệu quan trọng trong việc luận giải bản chất vật lý, hiện tượng để đề ra giải pháp phòng chống.
Đồng thời, tăng cường truyền thông thông tin cảnh báo sớm, đảm bảo chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân trong vùng bị tác động của trượt lở nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và hiểu rõ các hành động cần triển khai khi có yêu cầu.
Phong tranh tham hoa tuong tu Lang Nu, chuyen gia neu giai phap gi?-Hinh-3
 Hình ảnh thực địa tại Làng Nủ do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Châu Lân thực hiện.
“Nếu chúng ta tiếp xúc với chính quyền, người dân ở địa phương cụ thể mới thấy được, đây là giải pháp cực kỳ quan trọng. Bởi không phải thông tin lúc nào cũng đến được với chính quyền, người dân do cách tiếp cận thông tin của họ không phải lúc nào cũng qua điện thoại thông minh, hay thường xuyên được nghe đài, tivi dự báo… Nên cần phải có phương pháp tuyên truyền một cách phù hợp để đảm bảo một cách chính xác chính quyền, người dân phải biết được phải làm gì khi có thiên tai”, ông Đức nhấn mạnh.
Cũng theo GS Đỗ Minh Đức, Nghị định Chính phủ đã quy định rõ, khi rủi ro trượt lở đạt đến mức rủi ro cấp 1, chính quyền địa phương cần hạn chế người và phương tiện lưu thông lân cận các khu vực nguy cơ cao, tới rủi ro cấp 2 và cao hơn, cần cấm các phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy cơ cao; di chuyển dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn và chỉ quay lại khi không còn cảnh báo nguy cơ trượt lở.
Cũng cần phát huy hiệu quả vai trò của các cán bộ cơ sở xã, thôn, các tổ đội xung kích phòng tránh thiên tai, như phát hiện sớm các dấu hiệu trượt lở, lũ quét.
Chính quyền và người dân cần chú ý đến tính bất thường và cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuẩn bị kịch bản ứng phó với những tình huống khó khăn nhất.
“Chúng ta phải chuẩn bị với mọi tình huống xấu nhất chưa từng xảy ra trong quá khứ. Chính quyền, người dân cần phải làm quen, tập luyện với những kịch bản ứng phó tình huống cực đoan, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay”, ông Đức nói.
Đưa ra giải pháp, PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho rằng, cảnh báo về ngưỡng mưa nên được xem xét, bởi có thể thấy lượng mưa giờ lớn hơn 40mm và lượng mưa tích lũy >250 mm có thể gây trượt lở/lũ bùn đá. Cần xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để tìm cách phòng tránh an toàn. 
Đối với các vị trí đã hình thành vết nứt, có thể che phủ bạt, hoặc HDPE dùng thép đóng gim xuống, không cho nước ngấm tiếp tục vào khe nứt. Có thể đào hệ thống rãnh đỉnh thoát nước, không cho nước ngấm trực tiếp vào khu vực có vết nứt. Cho thoát nước ngang ở khu vực mái dốc.
Mời quý độc giả xem video: 115 người thôn Kho Vàng di dời lên núi tránh sạt lở ở Lào Cai. Nguồn: Trưởng thôn Ma Seo Chứ.

 
Mai Loan