"Khê Sơn hành lữ đồ"
Bảo tàng Đài Bắc là nơi lưu giữ một bức tranh phong cảnh có niên đại khoảng 900 năm tuổi từ thời Bắc Tống, tranh từng nổi tiếng vì được vô cùng yêu thích. Bức họa được bảo quản vô cùng cẩn thận, thậm chí còn hiếm khi được phép đem đi triển lãm ở nước ngoài bởi người ta sợ rằng chỉ một chút bất cẩn thôi sẽ gây ảnh hưởng đến bức tranh quý.
Bức tranh cổ "Khê Sơn hành lữ đồ". Hình ảnh: Wordpress
Bức tranh có tên là "Khê Sơn hành lữ đồ" (tạm dịch: Dạo chơi giữa rừng Khê Sơn) với chiều cao khổ giấy hơn 2 mét, rộng hơn 1 mét. Chỉ cần lướt ánh mắt đầu tiên trên bức tranh, người xem cũng có thể cảm nhận được sự hùng vĩ, uy nghiêm và hấp dẫn của núi rừng.
Giữa những ngọn núi, tác giả đưa những nét vẽ đơn giản tinh tế để miêu tả dòng nước thác chảy êm đềm,những con đường nhỏ hẹp có đoàn lữ hành thong thả bước đi cùng những chú lạc đà lững thững nối đuôi nhau khiến cho người xem như đắm chìm vào không gian. Sự kết hợp giữa động và tĩnh, tinh tế và thô ráp khiến cho bức tranh càng trở nên hoàn hảo.
Thế nhưng, các học giả lại cảm thấy hơi tiếc nuối cho kiệt tác tinh xảo này, bởi không có ghi chép rõ ràng về tác giả của nó. Hơn nữa trên tranh cũng không có lời đề từ, ngày tháng hay con dấu để hậu thế có thể nghiên cứu.
Vậy ai đã vẽ bức tranh kiệt tác này? Bí mật đằng sau nó là gì?
Một góc của bức tranh cổ. Hình ảnh: Zhihu
Vào thời nhà Minh, bức tranh này được lưu truyền trong dân gian, họa sĩ kiêm nhà thư pháp Đổng Kỳ Tăng đề từ bổ sung cho bức tranh là "Bắc Tống Phạm Trung Lập Khê Sơn hành lữ đồ" (ý nói tranh được vẽ dưới thời Bắc Tống, tác giả là Phạm Trung Lập).
Song một dòng chữ này vẫn chưa thể coi là căn cứ rõ ràng để xác định tác giả tranh là họa sĩ Phạm Trung Lập.
Bí mật 900 năm được cất giấu giữa kẽ lá
Chẳng thế mà bí ẩn này đã khiến hậu thế tò mò hàng trăm năm nay, mãi đến ngày 5/8/1958, một học giả sống tại Đài Loan- Lý Lâm Xán mới có cơ hội được tận tay chạm vào, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bức tranh cổ. Tất nhiên, ông không phải người đầu tiên phải thốt ra những lời khen không ngớt cho kiệt tác trăm năm.
Khi cầm chiếc kính lúp vừa tỉ mỉ soi từng đường nét của bức tranh, Lý Lâm Xán đã phát hiện giữa những tán lá rậm rạp trong tranh có 2 chữ Hán được giấu kín. Chuyên gia vui mừng khôn xiết: "Tôi biết ai đã vẽ bức tranh này!" Sau đó, ông yêu cầu đội chuyên gia sử dụng công nghệ phóng to 20 lần kẽ lá ở góc phải phía dưới bức tranh để chứng thực.
Tên tác giả được tìm thấy giữa kẽ lá bên góc phải của bức tranh. Hình ảnh: Baijiahao
Hóa ra 2 chữ mà ông tìm thấy giữa kẽ lá là "Phạm Khoan". Chuyên gia Lý Lâm Xán không thốt nên lời vì không ngờ rằng bí mật khiến giới khảo cổ vật lộn tìm kiếm hơn 900 năm lại được cất giấu ở chính bức tranh này và ông là người tìm ra nó.
Tham khảo những bức tranh cùng thời, các chuyên gia còn phát hiện đặc điểm nữa trong phong cách hội họa thời Bắc Tống chính là giấu tên tác giả.
Bởi vì ở thời nhà Tống, các họa sĩ cảm thấy hội họa và thư pháp là hai cá thể độc lập, chữ viết trên đó mà cẩu thả thì sẽ ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể của bức tranh.
Vì vậy, hầu hết họ sẽ giấu tên của mình để hậu thế có thể tập trung chiêm ngưỡng bức tranh, còn tên tác giả sẽ thường được đề ở một góc khuất trên bức tranh như trong khe lá hoặc khe nứt giữa các phiến đá, thậm chí có một số còn được "giấu" trong rễ cây.