Không chỉ lấy tên hoa đặt cho cả 3 cô con gái, ông còn dành toàn bộ tâm huyết cho việc nghiên cứu hoa, cây cảnh.
Khát vọng biến trồng hoa thành ngành mũi nhọn
Cách đây hơn 30 năm, mong muốn lớn nhất của chàng kỹ sư nông nghiệp mới ra trường Đặng Văn Đông là được làm việc tại FAVRI, bởi ước mơ làm công việc liên quan đến hoa, cây cảnh đã được nhen nhóm từ thời còn là sinh viên Đại học Nông nghiệp I. Mặt khác, hồi đó ở Việt Nam, lúa và cây ăn quả được rất nhiều người nghiên cứu, riêng lĩnh vực cây hoa chưa ai “khai phá” nên ông muốn mở con đường mới này.
Ước mơ về viện nhanh chóng thành hiện thực, nhưng thỏa mãn nguyện vọng nghiên cứu cây hoa là cả một hành trình gian nan. Ông nhớ lại: “Hồi tôi về viện, bộ môn hoa - cây cảnh chưa thành lập và lĩnh vực này cũng ít được đề cập. Trong các cuộc họp, một nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp vẫn nói Việt Nam chúng ta ăn còn chưa đủ, sao tính đến việc phát triển hoa. Nhưng rất may, một số lãnh đạo lại có cách nhìn nhận khác. Chẳng hạn GS Trần Văn Lài - nguyên Viện trưởng FAVRI - phân tích rằng trong trong các loại cây như rau, hoa, quả thì trong tương lai, cây hoa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất”.
Có sự ủng hộ đó, năm 1996, PGS Đông và một số đồng nghiệp xin thành lập bộ môn hoa - cây cảnh. Suốt những năm đầu, bộ môn này hầu như không có kinh phí hoạt động. Ông đã phải làm thêm những việc như ghép cây ăn quả để có tiền nghiên cứu về hoa. “Tôi đi vay lãi suất cao được gần 20 triệu đồng để đầu tư cho phương án sản xuất cây cảnh, kinh doanh tăng thu nhập. Sau đó, tôi đăng ký tham gia vài dự án nhỏ về nghiên cứu hoa, cây cảnh rồi cứ thể phát triển các đề tài lớn hơn” - PGS Đông kể.
Không ngờ chính cái việc tưởng là “lấy ngắn nuôi dài” ấy lại đem đến thành công. Các giống hoa, cây cảnh do PGS Đông và đồng nghiệp chọn tạo đã được chuyển giao cho khoảng 100 cơ sở nghiên cứu, sản xuất về hoa, cây cảnh trên cả nước. Hiện nay hầu hết các tỉnh miền Bắc đều trồng được lily vào vụ đông xuân. Nhiều tỉnh, thành đã nuôi trồng thành công giống lan hồ điệp theo công nghệ hiện đại. Những thành tựu này có đóng góp lớn của ông.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Đặng Văn Đông. Ảnh Lê Hằng
PGS Đông luôn quan niệm: “Trí thông minh có sẵn trong đầu chúng ta, nhưng muốn kích thích trí thông minh thì chúng ta phải có quyết tâm, can đảm để vượt qua được mọi chuyện”. Với tinh thần đó, ông đã vượt qua được khó khăn để thỏa mãn khát vọng của mình trong khoa học, mở ra một trang mới cho ngành sản xuất hoa ở Việt Nam. Nhà khoa học này cũng "bật mí", trong vài năm tới, ông sẽ cùng đồng nghiệp thúc đẩy sản xuất hoa trở thành một nghề mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam, bởi khi đất nước đã nhận ra phát triển hoa là cần thiết, đã đề cao việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và tất yếu ngành hoa sẽ có thay đổi lớn.
Nhân nói về việc ứng dụng cái mới, PGS Đông chia sẻ, sự “ham hố” của ông đối với các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp đã có từ thời sinh viên và càng ngày càng được nhân lên: “Mỗi lần đi thực tế, thấy cái gì mới đang được đưa vào sản xuất là mắt tôi sáng rực. Thấy người ta bán máy tuốt lúa đời mới, tôi mua ngay rồi đèo xe đạp về quê cho bố mẹ dùng. Thấy trên Hà Nội người ta nuôi gà công nghiệp, tôi tiết kiệm tiền mua gà công nghiệp về cho bố mẹ nuôi. Thấy ở đâu có giống cây ăn quả tốt là tôi cũng mua về quê trồng”.
Sự gian lao đằng sau các giống hoa mới
Nếu như người bình thường chỉ yêu hoa với tư cách là một vẻ đẹp thiên nhiên thì với PGS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (FAVRI)., hoa vừa là đối tượng nghiên cứu thú vị, vừa là sản phẩm giúp người dân làm giàu, lại vừa là cái đẹp nâng đỡ tâm hồn con người. Sự trân quý của ông đối với hoa có lẽ vì vậy mà sâu sắc hơn, xuất phát từ sự gắn bó và hiểu rõ giá trị của nó trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần.
TS Nguyễn Thị Thanh Hiền - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - kể: “Có đợt tôi stress nặng vì làm luận án mà sức khỏe yếu, thầy Đông e-mail cho tôi nhưng không viết gì mà chỉ gửi rất nhiều ảnh hoa xương rồng. Tôi hiểu thầy muốn động viên và nhắn nhủ rằng cây xương rồng sống trên sa mạc vẫn nở hoa đẹp, nên con người khi gian khó phải gắng vượt qua”.
Tình yêu hoa của PGS Đông thể hiện rõ nhất ở cách ông dồn tâm lực cho công việc nghiên cứu. Bà Nguyễn Thị Liên - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh thuộc FAVRI - kể: “PGS Đông không sợ khó, sợ khổ; có lúc đi trong rừng làm việc quần quật 24 tiếng đồng hồ mà chỉ ăn một chiếc bánh mỳ. Tôi vẫn nói đùa với đồng nghiệp ở cơ quan rằng trong công việc thì PGS Đông thật tuyệt, nhưng nếu là chồng thì tôi bỏ lâu rồi vì cứ đi suốt, làm gì có thời gian cho gia đình”.
PGS Đông cũng thừa nhận ông đi nhiều, lăn lộn các nơi để tìm nguồn gene. Ông kể về chuyến đi lên xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La - vùng có nhiều giống hoa hoang dại, khí hậu lại phù hợp để nhân giống nhiều loại hoa quý nhưng đường rất khó đi. Do ôtô không vào được, ông và các cộng sự phải dùng xe công nông. Có lần xe công nông đang qua suối thì một đợt nước lớn ào qua làm trôi cả xe, mọi người phải bám víu nhau để chống đỡ với dòng nước và lên bờ an toàn. Trải qua những chuyến đi “thập tử nhất sinh” như vậy, niềm hạnh phúc của ông khi tìm ra giống hoa mới hay nơi trồng thích hợp cho các giống hoa quý thật khó nói hết bằng lời.
“Trên thế giới này có rất nhiều người đam mê tạo ra những giống hoa đẹp, và đằng sau chúng là sự hy sinh, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là hy sinh thời gian, sức khỏe và thậm chí có lúc phải chấp nhận tai nạn, rủi ro để có những sản phẩm mang tính khoa học đích thực” - PGS Đông quan niệm. Ông dự định thời gian tới sẽ đầu tư 4.000m2 trồng lan ở gần nhà để bảo tồn các giống lan quý, tạo ra những giống mới vừa đẹp, thơm, vừa có độ bền cao để phục vụ xuất khẩu.
PGS-TS Đặng Văn Đông sinh năm 1966 tại Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội năm 1993 và công tác tại Viện Nghiên cứu rau quả từ năm đó. Hiện ông là Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh. PGS Đông có trên 50 bài báo, công trình đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, là chủ biên và đồng tác giả của 10 cuốn sách. Ông cũng tham gia gần 30 đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó gần 20 công trình có kết quả được áp dụng vào thực tiễn.
Theo Trịnh Son/Khoa học & Phát triển