"Một công nhân mỏ có 30 năm trong nghề, thì phải có 10 năm mất ngủ, bởi đi làm ca 3", anh Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần than Vàng Danh - VinaComin chia sẻ. Thấu hiểu điều đó, khi lên làm quản lý. anh luôn trăn trở làm sao để công nhân mỏ có cuộc sống tốt hơn. Công trình của anh cùng các cộng sự đã được vinh danh trong Sách vàng Việt Nam 2023.
|
Từng là một công nhân mỏ, anh Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần than Vàng Danh VinaComin luôn trăn trở những giải pháp để công nhân mỏ có cuộc sống tốt hơn . Ảnh: NVCC. |
Hai công trình về than cùng được ghi danh Sách vàng
Trò chuyện với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, anh Vương Minh Thu, Phó Giám đốc phụ trách công tác kỹ thuật đầu tư và môi trường, Công ty than Vàng Danh - VinaComin chia sẻ, Công ty than Vàng Danh vinh dự có hai công trình được ghi vào Sách vàng Việt Nam.
|
Anh Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần than Vàng Danh VinaComin nhận Giấy chứng nhận và Sách vàng tại Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023. |
Đó là công trình Nghiên cứu, thay đổi công nghệ khấu không để lại trụ bảo vệ cho các lò chợ ZRY tại Công ty Cổ phần than Vàng Danh -VinaComin (do anh Vương Minh Thu làm chủ nhiệm đề tài); và công trình Nghiên cứu, thiết kế chế tạo và lắp đặt, đưa hệ thống điều khiển tự động đóng mở ghi đường sắt phòng nổ vào sử dụng trong hầm lò (do ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty làm chủ nhiệm đề tài).
Chia sẻ về ý tưởng của công trình nghiên cứu của mình và nhóm cộng sự, anh Vương Minh Thu cho biết, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh là một trong những đơn vị sản xuất than hầm lò lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng Sản Việt Nam. Sản lượng khai thác mỏ hầm lò hàng năm khoảng 3,0 triệu tấn/năm, chiếm từ 10-15% tổng sản lượng than khai thác hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam.
Trong đó, sản lượng than khai thác than từ khu vực vỉa dốc (trên 45°) luôn duy trì từ 0, 8/1, 2 triệu tấn, chiếm 25 + 35% năng lượng toàn Công ty theo các loại hình công nghệ khai thác.
Tuy nhiên, những công nghệ khai thác than từ khu vực vỉa dốc mà công ty áp dụng có nhiều hạn chế về sản lượng, năng suất, điều kiện làm việc, an toàn lao động.Trong đó, một điểm hạn chế lớn đó là trụ bảo vệ để lại lớn, làm giảm trữ lượng khai thác, tổn thất than lớn.
|
Anh Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần than Vàng Danh VinaComin trả lời phỏng vấn phóng viên Tri thức và Cuộc sống bên lề Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023. |
Trăn trở trước điều đó, anh Vương Minh Thu và nhóm các cộng sự Trần Văn Thức, Trần Quang Vinh, Nguyễn Văn Hà, Vũ Đình Hiệp, Vũ Văn Dương, đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY khấu không để lại trụ bảo vệ.
Với công nghệ này, sản lượng khai thác than tăng lên khoảng 16% so với lò khấu để lại trụ bảo vệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm tổn thất than xuống còn 17%. Qua áp dụng từ giữa năm 2021 đến nay, giải pháp này đã làm lợi cho Công ty trên 19 tỷ đồng.
Những cải tiến mà hai công trình đem lại có thể coi là một bước ngoặt trong việc áp dụng công nghệ khai thác than.
“Đặc biệt, quá trình sản xuất tiến dần tới việc tự động hóa, như với việc thiết kế được ghi tự động, không còn thủ công như trước đã giúp cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân dưới hầm lò. Trước kia, khi điều khiển tàu rẽ trái, rẽ phải người công nhân phải trực tiếp xuống vận hành, sau khi nghiên cứu lắp đặt thành công hệ thống này, người công nhân chỉ việc ngồi trên tàu bấm nút là có thể rẽ tàu theo mong muốn”, anh Thu cho hay.
Trăn trở của Phó Giám đốc từng là công nhân mỏ
Anh Vương Minh Thu chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Ninh. Cha anh cũng là một công nhân mỏ. Chia sẻ ấn tượng về người cha, anh Thu xúc động, đó là 3 từ: “hiền lành, chịu khó và lấm lem”. Từ nhỏ, chứng kiến công việc của người cha, tình yêu của anh với ngành than ngấm dần và lớn theo năm tháng.
|
Phó Giám đốc Vương Minh Thu chỉ đạo sản xuất tại hiện trường Phân xưởng K5. Ảnh: NVCC.
|
Tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ - Địa chất, ra trường, anh về công tác tại Công ty than Vàng Danh, làm một công nhân lao động trực tiếp dưới hầm lò. Sau đó, anh chuyển sang làm nhân viên phòng kỹ thuật, trải qua nhiều vị trí quản lý. Năm 2015, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc công ty.
Chứng kiến nỗi vất vả của người cha, cùng quãng thời gian làm công nhân lao động trực tiếp dưới hầm lò tuy không dài, chỉ hơn một năm, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với anh Thu.
“Ngành than có đặc thù rất vất vả, nguy hiểm. Người lao động làm 3 ca trong hầm lò. Có thể nói thế này, nếu một công nhân mỏ có 30 năm trong nghề, thì phải có 10 năm mất ngủ, bởi đi làm ca 3. Ngoài ra là điều kiện làm việc rất độc hại, thiếu không khí, ánh sáng… Sau này, khi lên làm quản lý, tôi đã luôn trăn trở về những quyết sách, để phần nào đó giúp cho công nhân có cuộc sống tốt hơn. Trong đó, đặc biệt là vấn đề về môi trường và cải thiện điều kiện làm việc”, anh Thu chia sẻ.
“Đánh thức những vỉa than đang ngủ” bằng công nghệ an toàn
Anh Thu cho biết, trong những năm qua, các công trình liên quan đến đời sống lao động của người công nhân và việc đổi mới khoa học công nghệ tại công ty luôn được chú trọng.
Trong 5 năm gần đây, năm nào công ty cũng đăng ký đề tài về khoa học công nghệ sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh. Đối với ngành công nghiệp luôn đạt giải Nhất. Mỗi năm, công ty có từ 300-500 sáng kiến, năm 2023, với 350 sáng kiến đã đem lại cho công ty giá trị kinh tế ước tính 30 tỷ đồng. Trong số đó, có rất nhiều sáng kiến đã cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, giữ an toàn cho công nhân.
|
Phó Giám đốc Vương Minh Thu phát biểu khai mạc Hội thi Đào lò nhanh. Ảnh: NVCC.
|
Chẳng hạn, để “đánh thức các vỉa than đang ngủ”, về công tác kỹ thuật, đã đưa các máy đào lò cơ giới hóa và bán cơ giới hóa, hầu như những công nghệ khai thác thô sơ đều loại bỏ. Với các thiết bị vận tải thường xuyên được cải tiến, như áp dụng tự động hóa , tin học hóa trong hầm mò…
Khi được hỏi về mong ước, dự định, anh Vương Minh Thu bộc bạch: “Đối với ai từng gắn bó với hòn than, công tác trong ngành mỏ, đều có ấn tượng rất sâu sắc về tính trách nhiệm, kỷ luật, đoàn kết trong công việc. Mong ước của tôi là trong thời gian tới sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu lựa chọn ra được những công trình phù hợp hơn với công trình khai thác mỏ, với mục đích duy nhất là cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên”.
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 gồm các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn đã đoạt giải tại các cuộc thi do bộ, ngành... tổ chức từ năm 2021 đến 30/6/2023. Đây là những công trình được ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong sản xuất, đời sống, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Chia sẻ về cảm xúc khi công trình được ghi danh trong Sách vàng Việt Nam 2023, Phó Giám đốc Công ty than Vàng Danh xúc động: “rất khó diễn tả cảm xúc”. “Với một người con đất mỏ và than Vàng Danh, chúng tôi rất tự hào về những gì chúng tôi đã nỗ lực”, anh Vương Minh Thu nói.
Mời quý độc giả xem video: Anh Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần than Vàng Danh - VinaComin chia sẻ về ý nghĩa của hai công trình được ghi danh Sách vàng Việt Nam 2023. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan