Dự án dẫn đầu bởi nhà thiên văn Sigurd Naess từ Trung tâm Vật lý thiên văn tính toán thuộc Viện Flatiron (Mỹ) đã sử dụng Kính thiên văn vũ trụ 6 mét Atacama (đặt tại Chile) để khảo sát vùng xa xôi của hệ Mặt Trời.
Kính thiên văn này được thiết kế để phát hiện các tín hiệu mờ nhạt nhất còn sót lại từ Vụ nổ Big Bang, nhưng cũng đủ nhạy để phát hiện các vật thể ở vùng rất xa của hệ Mặt Trời.
Hành tinh thứ 9 - Ảnh đồ họa từ NASA
Từ năm 2013 đến 2019, kính thiên văn này đã quét khoảng 87% bầu trời phía Nam ở khoảng cách từ 300 đến 2.000 đơn vị thiên văn.
Theo Science Alert, cuộc tìm kiếm đã mang lại tới 3.500 ứng cử viên dự kiến. Sau đó họ đã sàng lọc 10 ứng cử viên có tiềm năng nhất cho vị trí hành tinh thứ 9, sẽ là mục tiêu cho các nghiên cứu chi tiết hơn trong tương lai.
Tuy nhiên khảo sát cũng loại trừ một ứng cử viên sáng giá được nghiên cứu khác dự đoán có thể là hành tinh thứ 9 trước đó.
Cho dù đến nay, vẫn chưa hành tinh thứ 9 nào được xác nhận nhưng các cuộc săn tìm nó đã đem lại cho giới thiên văn rất nhiều vật thể thú vị ở vùng xa thẳm ở rìa hệ Mặt Trời, ví dụ các tiểu hành tinh cổ đại, mang vật liệu sơ khai khi các hành tinh như Trái Đất còn chưa hình thành.
Dù chưa lộ diện nhưng nhiều lần các nhà khoa học đã tìm thấy các dấu hiệu cho thấy các tảng đá không gian ở vùng xa thẳm bị một cái gì đó tác động - có thể là một lỗ đen nhỏ hoặc một hành tinh khổng lồ.
Nếu nó ở đó, hành tinh thứ 9 sẽ phải lớn gấp 5-10 lần Trái Đất và mất tới 10.000 - 20.000 năm để đi hết 1 vòng quanh Mặt Trời.
Theo Anh Thư/Người Lao Động