Các nhà khoa học từ trường ĐH West Virginia (Úc) đã tìm thấy tế bào của các sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực có niên đại khoảng 830 triệu năm trước bị mắc kẹt bên trong các tinh thể halite cổ đại, hãng Sputnik đưa tin hôm 16-5.
Phát hiện có khả năng mang tính đột phá trên được nhóm nghiên cứu địa chất do tiến sĩ Sara Schreder-Gomes thuộc ĐH West Virginia dẫn đầu tìm ra trong một cuộc điều tra ở miền trung nước Úc.
Các sinh vật mà nhóm tìm thấy được cho là "phù hợp về kích thước, hình dạng và phản ứng huỳnh quang với tế bào của sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực, cũng như với các hợp chất hữu cơ." Đáng chú ý, những sinh vật này thậm chí có thể vẫn còn sống.
Những sinh vật này đã vô tình rơi vào "chiếc bẫy halite" của các nhà khoa học. Họ sử dụng kỹ thuật thạch học ánh sáng, dùng tia cực tím và ánh sáng nhìn thấy được truyền qua tinh thể, để tìm thấy những vi sinh vật hầu như không bị phân hủy, giúp nghiên cứu chi tiết từng đặc tính của các loài nguyên sơ này.
Những tinh thể halite chứa "xác ướp" sinh vật cổ đại. Ảnh: GEOLOGY
Halite là một loại khoáng vật của natri chloride (NaCl), còn được gọi là thạch diêm hay đá muối. Halite dùng trong nghiên cứu được lấy từ lõi trầm tích khoan ở độ sâu 1.481 đến 1.521 mét.
"Khi các tinh thể halite phát triển trong vùng nước bề mặt mặn, nó giữ nước này trong chất lỏng nguyên sinh. Ngoài bẫy nước, chúng có thể bẫy bất cứ thứ gì trong hoặc gần vùng nước đó" - tiến sĩ Schreder-Gomes cho hay.
Theo bà, tinh thể halite đóng vai trò như một chiếc quan tài hoàn toàn khép kín, cộng với nước mặn chứa đựng bên trong, đã biến sự sống cổ đại thành những xác ướp thuộc loại tốt nhất thế giới.
“Các vi sinh vật có thể tồn tại trong các chất lỏng chứa bên trong tinh thể halite do thay đổi quá trình trao đổi chất, cùng tồn tại với các hợp chất hữu cơ hoặc sử dụng các tế bào chết làm nguồn dinh dưỡng” - nhóm nghiên cứu cho hay.
Chính vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, “các trầm tích hóa học cổ đại, có nguồn gốc trên cạn và ngoài trái đất, nên được coi là vật chủ tiềm năng cho các vi sinh vật cổ đại và các hợp chất hữu cơ”.
Phát hiện mới của các nhà nghiên cứu địa chất ở Úc sẽ là định hướng quan trọng cho các nhiệm vụ tìm kiếm sự sống ở sao Hỏa trong tương lai. Ảnh: SPUTNIK
Những vi sinh vật này chứa thông tin khoa học có giá trị như nhiệt độ nước tại thời điểm hình thành tinh thể, đặc điểm hóa học của nước và thậm chí có cả nhiệt độ khí quyển khi hình thành. Khám phá này có thể giúp hiểu rõ hơn về lịch sử của Trái đất.
Đặc biệt hơn, đây chính là cách mà từ lâu các nhà khoa học tin rằng sự sống sao Hỏa đang được bảo quản. Theo các nghiên cứu của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ), sao Hỏa từng có sự sống vài tỉ năm trước, khi nó còn là một hành tinh xanh nhiều đại dương giống Trái Đất.
Tuy nhiên, những thay đổi khắc nghiệt đã khiến hành tinh đỏ tuyệt chủng. Vì thế NASA, ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) liên tục gửi những thiết bị thăm dò có nhiệm vụ săn tìm dấu vết sự sống trong trầm tích cổ đại. Vài robot tự hành của NASA đã đem về các bằng chứng tuy vẫn là gián tiếp nhưng khả quan.
Phát hiện này sẽ là định hướng quan trọng cho các nhiệm vụ đó, khi chứng minh halite dường như là thứ phù hợp nhất nếu các nhà khoa học muốn tìm thấy "xác ướp" ngoài hành tinh. Việc đầu tiên họ cần làm là tìm đến những nơi có thể chứa tinh thể halite giống miền trung nước Úc.
Theo Khôi Chương/PLO