Những mảnh xương sọ được phát hiện ở Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Sau hai cuộc khai quật năm 2007 và năm 2014, các nhà khoa học cho biết đây có thể là hóa thạch của loài người sống cách đây từ 100.000 đến 130.000 năm.
Phát hiện sọ người 100.000 năm trên được coi là khám phá lớn nhất kể từ sự kiện tìm ra Người vượn Bắc Kinh (Peking Man) năm 1920.
|
Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện hai hộp sọ có niên đại hơn 100.000 năm. |
Hộp sọ khai quật năm 2007 có niên đại từ 80.000 đến 100.000 năm với 16 mảnh sọ khác nhau. Hộp sọ thứ hai khai quật 7 năm sau đó. Hai hộp sọ này được các nhà khoa học gọi là "người Hứa Xương" (Xuchang Man).
Đây là kết quả của sự phố hợp giữa các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ cùng các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Phát hiện của họ được đăng trên tạp chí Khoa học.
|
Một trong 16 mảnh của hộp sọ được phát hiện năm 2007. |
Phát hiện này cho thấy có thể người Neanderthal đến Đông Á vào khoảng 100.000 năm trước và cùng chung sống với người bản địa và sinh ra con lai. Các nhà khoa học cũng đưa ra lý thuyết cho rằng con người hiện đại xuất hiện cùng lúc ở châu Phi và các bộ nơi khác trên thế giới.
Người Neanderthal là một loài trong chi Người đã tuyệt chủng, các mẫu vật được tìm thấy ở châu Âu và một vài nơi thuộc phía Tây và trung Á.
|
Hai hộp sọ được phát hiện năm 2007 (bên trái) và năm 2014 (bên phải). |
Li Zhanyang, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu khảo cổ và di tích văn hóa Hà Nam cho biết, Người Hứa Xương phát hiện năm 2007 có các đặc điểm giống với người hiện đại và có thể là tổ tiên gần nhất của người Trung Quốc hiện đại. Các nhà khoa học sẽ phân tích DNA để nghiên cứu thêm.
Wu Xiujie, nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc về sinh vật có xương sống và nhân loại học chia sẻ với Tân Hoa Xã: "Các đặc điểm của nó giống như sự lai tạo giữa loài người Phương Đông và người phương Tây vậy".
Theo China Daily, có nhiều nhà khoa học tin vào mô hình tiến hóa đa khu vực. Mô hình này cho rằng con người là hậu duệ của nhiều quần thể người cổ xưa bản địa.
Theo Nguyễn Ly/VTC