Những tương tác mang quy mô vũ trụ giữa các thiên thể có ảnh hưởng trực tiếp tới khí hậu và đặc tính địa lý Trái Đất. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện ra hiện tượng xói mòn theo chu kỳ dưới đáy đại dương, và nghi ngờ “tác giả” của chúng chính là Sao Hỏa.
Được xuất bản trên tạp chí Nature hồi cuối tháng Ba, nghiên cứu phát hiện ra những khoảng trống trong cuốn “sử ký toàn thư” viết nên bởi trầm tích đáy biển. Cứ sau 2,4 triệu năm, cuốn sách lại mất đi vài trang giấy, và các nhà nghiên cứu cho rằng chúng bị xé đi do tương tác giữa hai quỹ đạo của Trái Đất và Sao Hỏa.
Phát hiện mới có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về quá khứ và tương lai của Trái Đất. Cơ sở tạo nên báo cáo khoa học là những mẫu trầm tích lấy trong 50 qua, từ hàng trăm khu vực khoan lòng biển khắp thế giới.
Sau khi phân tích, dữ liệu từ 293 lỗ khoan cho thấy một chu kỳ lạ lùng: cứ mỗi 2,4 triệu năm, bằng chứng trầm tích hóa thạch lại trống một khoảng. Hồi năm 2022, một nghiên cứu khác đã cho thấy sự tồn tại của những khoảng trống này, và nghiên cứu mới đăng tải cho thấy tính lặp lại của hiện tượng lạ.
Theo nhà địa vật lý họ Dietmar Müller, nhà nghiên cứu công tác tại Đại học Sydney và đồng tác giả nghiên cứu mới, khả năng cao những dòng biển ngầm đã quét đi lớp trầm tích nằm dưới đáy biển. Dữ liệu cho thấy trong 70 triệu năm qua, trầm tích đáy biển đã bị quét đi 27 lần.
Bởi lẽ hiện tượng xảy ra theo chu kỳ, nhóm nghiên cứu hướng mắt về phía Hệ Mặt Trời để tìm nguyên do. Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã biết rằng lực hấp dẫn từ những hành tinh khác có thể tác động đến cách Trái Đất di chuyển trong không gian, thậm chí can thiệp vào cả các hệ thống “nội bộ” của Trái Đất.
Thực tế, chu kỳ Milankovitch là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Nó mô tả những thay đổi dài hạn của quỹ đạo quanh Mặt Trời của Trái Đất, bên cạnh đó là sự nghiêng của trục Trái Đất khiến khí hậu thay đổi ra sao và dẫn tới quá trình hình thành kỷ băng hà như thế nào. Ước tính, mỗi chu kỳ Milankovitch kéo dài từ 10.000-100.000 năm.
Ngoài ra, những chu kỳ có quy mô lớn hơn, kéo dài từ hàng triệu tới hàng chục triệu năm, cũng tồn tại. Chúng được gọi là những vòng lặp quy mô vũ trụ, tuy nhiên giới khoa học không sở hữu nhiều bằng chứng khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của những chu kỳ này.
Khả năng cao, một chu lỳ quy mô vũ trụ có liên quan tới quỹ đạo quanh sao của Sao Hỏa đã gây ra hiện tượng xóa trầm tích theo chu kỳ. Theo nhà nghiên cứu Dietmar Müller, thì “không có lời lý giải nào khác cho chu kỳ này, ngoài tương tác giữa hai quỹ đạo Trái Đất và Sao Hỏa”.
Trong báo cáo nghiên cứu mới được xuất bản, các nhà nghiên cứu chỉ ra sự liên quan của điểm cận nhật của quỹ đạo Trái Đất - là điểm mà tại đó Trái Đất tới gần Mặt Trời nhất. Cứ 2,4 triệu năm, quỹ đạo của Sao Hỏa sẽ kéo điểm cận nhật nói trên tới gần Mặt Trời hơn một chút, tăng lượng bức xạ mặt trời Trái Đất phải hứng chịu.
Lượng bức xạ này không quá lớn, nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng nó đã khởi động một chu trình nào đó có thể khiến Trái Đất thay đổi; trong trường hợp này, họ cho rằng bức xạ từ Mặt Trời khiến dòng biển ngầm thay đổi bản tính. Theo lời nhà nghiên cứu Müller, miền xích đạo nóng lên do tác động của Sao Hỏa có thể khiến bão hoạt động mạnh hơn, từ đó dòng biển ngầm gây ra hiện tượng xói mòn lòng đại dương.
Đây vẫn chưa phải khẳng định cuối cùng. Các nhà khoa học vẫn cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận về mối liên hệ kỳ lạ giữa cách Sao Hỏa bay và hiện tượng xói mòn đại dương Trái Đất.
Bên cạnh khả năng thấu hiểu quá khứ Trái Đất, những khám phá này có thể giúp chúng ta dự đoán cách Trái Đất phản ứng trong tương lai trước những tác động từ bên ngoài, chẳng hạn như hiện tượng nóng lên do ảnh hưởng từ quỹ đạo thiên thể trong Hệ Mặt Trời.
Theo Đời sống&Pháp luật