Ngày 3/5, báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin một nhóm nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra mỏ vàng kể trên.
Trong khi các mỏ vàng thường hình thành cách đây hàng tỉ năm, mỏ vàng khổng lồ ở miền Bắc Trung Quốc mới hình thành khoảng 120-140 triệu năm trước. Đặc biệt, nó được tạo ra bởi các chất lỏng magma trộn với nước mưa, quá trình không giống với vàng được tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới.
Nhóm nhà khoa học quốc tế nói rằng phát hiện của họ có thể giúp tìm ra tài nguyên vàng bằng cách xác định những khu vực có sự hoạt động của magma. Bản nghiên cứu về mỏ vàng "kỳ dị" ở miền Bắc Trung Quốc được công bố ngày 3-5. Nhóm nhà khoa học quốc tế trình bày chi tiết về quá trình địa chất mà họ phát hiện.
|
Ảnh minh họa: Shutterstock. |
"Các chất lỏng magma được chuyển tiếp từ buồng magma bên dưới. Hoạt động lỗi và vết đứt gãy tạo điều kiện đẩy chất lỏng magma lên, sau đó pha trộn với nước mưa dẫn đến sự lắng đọng vàng" - một phần của bản nghiên cứu viết.
Nhóm nhà khoa học quốc tế bao gồm các nhà nghiên cứu từ Trường ĐH Khoa học Địa chất Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Trường ĐH Wisconsin – Madison (Mỹ) và Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đức.
Phần lớn miền Bắc Trung Quốc - bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc ngày nay - tọa lạc trên một phần thạch quyển được biết đến là nền cổ (craton, tức là phần cổ và ổn định của lớp vỏ lục địa đã tồn tại qua các lần sáp nhập và chia tách các lục địa và siêu lục địa trong ít nhất là 500 triệu năm).
Một trong những tác giả của bản nghiên cứu, GS Li Jianwei tại Trường ĐH Khoa học Địa chất Trung Quốc, cho biết mặc dù nguồn chất lỏng và quá trình hình thành vàng trong mỏ vàng ở miền Bắc Trung Quốc không giống như các craton khác trên thế giới nhưng thành phần kim loại của chúng phần lớn tương tự nhau.
Nhóm nhà khoa học quốc tế đã sử dụng kỹ thuật phân tích phổ ion và phát hiện ra rằng mỏ vàng này dường như có nguồn gốc từ việc khử khí của một buồng magma bên dưới.
Theo Phạm Nghĩa/Người Lao Động